Hôm 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Belgrade, tham dự lễ kỉ niệm 70 năm ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng thủ đô của Nam Tư từ tay phát xít Đức. Liền sau đó, phương Tây tăng cường sức ép nhằm vào Serbia, lôi kéo nước này tham gia mặt trận chống Nga. Quyết tâm lôi kéoNgay trước khi đặt chân tới thủ đô Belgrade hôm 20/11 vừa qua, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách khu vực, ông Johannes Hahn, đã “nói toạc” ý định này với giới lãnh đạo Serbia. “Serbia đã tuân thủ về mặt pháp lý trong việc đàm phán gia nhập EU và từng bước tiến đến quan điểm của EU trong các vấn đề phức tạp như cấm vận chống Nga. Đây là điều rất quan trọng và chúng tôi hy vọng Belgrade sẽ tuân thủ điều này. Chúng tôi trông đợi đại diện chính phủ nước bạn sẽ tiếp tục thể kiện cam kết đối với mục tiêu then chốt là gia nhập EU, cả về lời nói và hành động”, ông Hahl chia sẻ trên tờ Evening News (Tin tức Buổi tối) của Serbia.
Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt đội danh dự. Ảnh: AP |
Theo vị quan chức này, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng lịch sử của mối quan hệ Nga-Serbia, nhưng đây cũng là thời điểm mà chính quyền Belgrade hướng đến việc gia nhập EU, xem đây là mục tiêu chiến lược lớn. Quốc gia vùng Balkan này đệ đơn gia nhập EU từ năm 2009. Sau khi Moskva có các lệnh cấm vận trả đũa nhằm vào châu Âu, Brussels đã liên tục hối thúc Belgarde không “lấp chỗ trống” các sản phẩm nông nghiệp xuất sang thị trường Nga.
Trước sức ép này, chính quyền Serbia hiện vẫn giữ được quan điểm được coi là trung lập. Tổng thống Tomislav Nikolic tuyên bố: “Serbia không phải là nước thành viên EU và hoàn toàn độc lập trong các quyết định ngoại giao; thế nhưng quy chế thành viên của EU thì có nghĩa là phải theo đuổi một chính sách đối ngoại chung”.
Dư luận nhìn chung đánh giá, chính quyền Belgrade hiện đang đứng trước một lựa chọn mang tính lịch sử. Nhà báo người Nga Anton Orekh bình luận, “Belgrade tham gia cấm vận Nga khó y như việc Serbia công nhận độc lập của Kosovo. Nó chẳng khác gì việc cấm vận nhằm vào một người bạn thân nhất để tiến đến ‘hôn nhân lợi ích’. Đó là chuyện đôi khi vẫn xảy ra”.
Toan tính thâm độcXuất phát từ những quan hệ gần gũi về lịch sử, văn hóa, sắc tộc (cùng là cộng đồng người Slav), Nga và Liên bang Nam Tư trước đây cũng như Serbia ngày nay luôn duy trì được quan hệ hữu hảo theo thời gian. Hai nước coi nhau là những đối tác tin cậy nhất tại khu vực châu Âu.
Chủ tịch đảng Nhân dân Serbia Nenad Popovic nói rằng, từ trước đến nay, Nga và Serbia chỉ có là bạn, chưa có bất kì mâu thuẫn nào. “Khi nước Nga gặp khó, Serbia sẽ ở bên, vì Nga đã luôn ủng hộ chúng tôi. Hãy nghĩ xem: Có biết bao binh sĩ Nga đã hy sinh trong Thế chiến thứ nhất để giải phóng Serbia. Nghĩ xem tại sao Sa hoàng Nicholas II lại mạo hiểm cả tính mệnh của mình khi tuyên bố chiến tranh chống lại liên minh Áo - Hung chỉ vì muốn bảo vệ người Serbia. Trong Thế chiến thứ II, cũng chính Hồng quân Liên xô đã giải phóng Belgrade”, ông Popovic bày tỏ.
Năm 1999, trước và sau khi xảy ra sự kiện Kosovo, Nga dường như là nước duy nhất công khai phản đối can thiệp của Mỹ và phương Tây tại Serbia. Khi NATO không kích Serbia, có khoảng 1.000 quân tình nguyện từ Nga đã sang chiến đấu cùng người Serbia. Hậu Kosovo, đa số các nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ đều đã gia nhập (Croatia, Slovenia) hoặc bày tỏ mong muốn gia nhập NATO (Macedonia, Bosnia và Montenegro). Riêng Serbia vẫn đứng ngoài cuộc.
Nga đương nhiên tỏ rõ quan điểm của mình. Moskva cho rằng động thái gây sức ép của EU đối với một nước ứng viên là chưa có tiền lệ và xem đây không gì khác ngoài “hành vi tống tiền”. Đối với Brussels, việc lôi kéo Belgrade cấm vận nhằm vào Moskva ít có giá trị về mặt kinh tế. Nó thể hiện những toan tính chính trị nhiều hơn: Một khi Serbia tiến cùng EU, đương nhiên Nga sẽ mất đi một người bạn tốt nhất của mình và đó cũng là tổn thất lớn về mặt hình ảnh của Moskva.
Hoài Thanh (
Tổng hợp)