Đây là sự đảo chiều mạnh mẽ so với mức tăng lợi nhuận nhờ đồng yen yếu trong năm tài chính trước đó.
Giả định đồng yen tăng giá là yếu tố chính dẫn đến dự báo lợi nhuận suy giảm này. Các công ty giả định tỷ giá trung bình là khoảng 144 yen đổi 1 USD. Mặc dù mức này mạnh hơn mức hiện tại là khoảng 156 yen đổi 1 USD, nhưng biến động của thị trường ngoại hối trong tháng trước đã khiến nhiều công ty lựa chọn dự đoán thận trọng về hướng đi tương lai của đồng yen.
Do đó, tác động của đồng yen đến thu nhập có khả năng sẽ tích cực hơn dự đoán tùy thuộc vào diễn biến của thị trường ngoại hối.
Dự đoán lợi nhuận nói trên là từ 52 công ty trong Chỉ số 225, trong đó có nhiều nhà xuất khẩu trong các ngành như sản xuất ô tô và máy móc. Các doanh nghiệp này dự báo tổng lợi nhuận hoạt động giảm 1% xuống 16.000 tỷ yen. Dự báo này sẽ chuyển thành tăng 1% nếu không tính đến các tác động tỷ giá.
Tổng lợi nhuận của bảy hãng xe lớn của Nhật Bản được dự đoán giảm 115 tỷ yen do tác động tỷ giá, với giả định đồng yen sẽ dao động trung bình từ 140-145 yen đổi 1 USD. Trước đó, lợi nhuận của các hãng này đã tăng 1.150 tỷ yen trong năm tài chính trước đó.
Các nhà sản xuất máy móc cũng đưa ra dự báo đồng yen sẽ tăng giá. Komatsu dự đoán lợi nhuận hoạt động cả năm giảm 8% do đồng yên tăng giá, trong khi Hitachi Construction Machinery dự báo lợi nhuận hoạt động giảm 2%.
Tuy nhiên, nhìn chung, đồng yen yếu lại có lợi cho các doanh nghiệp niêm yết. Daiwa Securities ước tính đồng yen cứ suy yếu 1 yen so với đồng USD thì lợi nhuận trước thuế của các công ty lớn sẽ tăng 0,4%. Và sự suy yếu của đồng yen đã là một lực đẩy lớn trong hai năm qua, giúp lợi nhuận tăng tổng cộng 3.880 tỷ yen trong năm tài chính 2022 và 1.830 tỷ yen trong năm tài chính 2023.