Lối thoát nào cho kinh tế Ai Cập?

Ai Cập đang tham gia vào một canh bạc, khi sử dụng hàng tỷ USD viện trợ từ các nước đồng minh vùng Vịnh để kích thích nền kinh tế và làm dịu các cuộc biểu tình đường phố.


“Sống cầm hơi”


Hiện tại, nền kinh tế Ai Cập đang trong tình trạng bấp bênh với mức thâm hụt lớn, nhưng chính phủ lâm thời nước này - dựa vào tuyên bố của Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cam kết viện trợ tổng cộng hơn 12 tỷ USD - đã từ chối áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo.


Bất ổn chính trị khiến giới đầu tư nước ngoài và khách du lịch rời xa Ai Cập.


"Chúng ta đang sống cầm hơi dựa vào nguồn viện trợ từ các nước láng giềng, trong khi ngành công nghiệp du lịch của chúng ta thì ‘xơ xác’, còn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì quá khiêm tốn. Về lâu dài, không ai có thể sống nhờ vào viện trợ bởi nó là không bền vững”, Sherif Samy - người đứng đầu Cơ quan Giám sát tài chính Ai Cập - nhận định.


Kể từ năm 2011, sau cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, Ai Cập đã bị thiệt hại 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối, dẫn đến phải vay mượn hàng tỷ USD từ các nước đồng minh để trả nợ cho các công ty dầu mỏ nước ngoài.


Trong giai đoạn ông Mohamed Morsi làm tổng thống, thâm hụt ngân sách của Ai Cập tăng lên gần 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính phủ lâm thời Ai Cập hiện hy vọng mức thâm hụt này sẽ giảm xuống còn 10% trong năm 2013 nhờ vào nguồn viện trợ của các nước vùng Vịnh. Ai Cập cũng hy vọng các nhà đầu tư và khách du lịch sẽ góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ để hạn chế áp lực giảm giá đồng nội tệ, vốn đã bị mất giá gần 16% kể từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi diễn ra.


"Chính phủ đang phải đối mặt với một thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử. Chính phủ không còn đủ ngân sách để chi trả cho các chương trình trợ cấp xã hội và tăng lương. Nếu đầu tư nhiều vào lĩnh vực này, trong thời gian đầu, có thể nhất thời kích thích tâm lý người dân nhưng xét về lâu dài, nó sẽ tác động nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia", ông Samy nói.


Nguy cơ khủng hoảng


Chính phủ lâm thời Ai Cập, do nhận thức rằng những điều kiện của IMF có thể gây ra một phản ứng tiêu cực sâu rộng trước cuộc bầu cử, nên đã tránh áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.


Bên cạnh đó, với cam kết viện trợ của các nước vùng Vịnh, chính phủ Ai Cập quyết định bơm 22,3 tỷ bảng Ai Cập (3,2 tỷ USD) kích thích tăng trưởng kinh tế trong tháng 8 vừa qua, sau đó sẽ tăng thêm 1/3 từ nay đến cuối năm, lên 29,6 tỷ bảng Ai Cập và bơm tiếp một một khoản trị giá 24 tỷ vào đầu năm tới.


Chính phủ lâm thời cũng đã nâng mức lương tối thiểu cho những người hưởng lương hành chính và lương hưu. Ngân hàng trung ương cũng đã hạ lãi suất 1% từ tháng 8 để khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, chính phủ lâm thời Ai Cập còn cho biết sẽ tập trung ngân sách cho một loạt dự án cơ sở hạ tầng sử dụng nhiều lao động và các dự án công cộng.


Về du lịch, Bộ trưởng Du lịch của Ai Cập cho biết, tháng trước chính phủ có kế hoạch phát động một chiến dịch tiếp thị với hy vọng thu hút 13,5 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm tới. Chỉ có 9,8 triệu khách du lịch đến Ai Cập năm 2011 trong khi năm 2010, nước này thu hút 14,7 triệu lượt khách.


Tuy nhiên, chính phủ lâm thời đã không đưa ra bất kỳ một kế hoạch chi tiết nào mang tính dài hạn để củng cố nền kinh tế. Nếu các giải pháp tình thế trên của Ai Cập không thành công, một chính phủ mới dự kiến được bầu vào đầu năm tới có thể ngập sâu trong nợ nần, và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế là rất lớn.



CT (Theo Reuters)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN