“Báo chí, truyền hình, tất cả các kiểu truyền thông sẽ tăng giá nếu tôi không ở đó, bởi vì không có tôi, khán giả của họ sẽ lao dốc”, ông Trump nói vào năm 2017.
Theo tờ Washington Post, chưa đầy 2 tháng của kỷ nguyên “hậu Trump”, các báo đài tại Mỹ đang thực sự mất đi nhiều khán giả, độc giả mà họ đã từng có được trong nhiệm kỳ tổng thống đầy tranh cãi của ông. Nói cách khác, “cú hích Trump” với báo chí Mỹ đang nhường chỗ cho sự sụt giảm.
Sau khi lập kỷ lục vào tháng 1 (tháng chuyển giao quyền lực tại Mỹ), lưu lượng truy cập vào các trang tin tức chính thống phổ biến nhất của Mỹ, bao gồm tờ Washington Post, đã lao dốc trong tháng 2 – theo công ty theo dõi lượng khán giả ComScore. Các trang web hàng đầu nhìn chung cũng hoạt động tệ hơn nhiều so với tháng 2/2020, khi đại dịch COVID trở thành chủ đề tin tức quốc tế lớn.
Chẳng hạn, tờ Washington Post đã chứng kiến lượng truy cập giảm 26% từ tháng 1 đến tháng 2 và 7% so với một năm trước. Tờ New York Times giảm 17% so với tháng 1 và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với các kênh tin tức, truyền hình cáp. Lượng khán giả từng tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch vào mùa Xuân và mùa Hè năm ngoái, đã tiếp tục ở mức cao trong mùa Thu khi ông Trump nỗ lực tranh đấu, không công nhận kết quả bầu cử, và tăng mạnh hơn trong vài tuần đầu năm 2021 với sự kiện bạo loạn Toà nhà Quốc hội và cuộc luận tội lần thứ hai.
Nhưng lúc này, khi Tổng thống Joe Biden đang ở Nhà Trắng và cựu Tổng thống Trump gần như biến mất khỏi vòng xoáy tin tức, một lượng lớn khán giả cũng bị cuốn đi theo.
Kênh tin tức bị ảnh hưởng lớn nhất là CNN. Theo nghiên cứu của Nielsen Media Research, sau khi vượt qua các đối thủ Fox News và MSNBC vào tháng 1/2021, mạng tin này đã mất đến 45% lượng khán giả xem giờ vàng trong 5 tuần qua.
Khán giả của MSNBC giảm 26% trong cùng thời gian. Fox News – kênh truyền hình thân với ông Trump nhất trong số 3 mạng nổi bật vào giờ vàng – về cơ bản đã lấy lại vị trí dẫn đầu khi duy trì mức khán giả ổn định. Rating (chỉ số đo lường khán giả) của Fox News chỉ giảm 6% so với những tuần đầu tiên của năm.
Chắc không vị giám đốc điều hành truyền thông nào dám dự kiến nhu cầu dữ dội về tin tức của năm 2020 và đầu 2021 sẽ kéo dài vô thời hạn. Đó là một trong những thời kỳ quan trọng nhất trong ký ức sống của thời đại, bao gồm sự bùng nổ đại dịch COVID-19, sự sụp đổ gần như tức thời của các nền kinh tế trên khắp thế giới, làn sóng phản đối phân biệt chủng tộc và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với đỉnh điểm là một cuộc bạo loạn và phiên toà luận tội.
Kể từ đó, nhiều nền kinh tế đã phục hồi một phần, việc triển khai vaccine COVID đã làm dấy lên hy vọng chấm dứt đại dịch và Tổng thống Biden đã điều hành đất nước yên ả hơn nhiều so với người tiền nhiệm.
Howard Polskin, người theo dõi các trang tin tức cánh hữu và bảo thủ thông qua trang TheRighting, cho biết: “Mức độ kịch tính và căng thẳng trên khắp đất nước đã giảm xuống đáng kể”. Polskin nói rằng ông sẽ bị sốc nếu lượng tiêu thụ tin tức không giảm tương ứng.
Tuy vậy, các tổ chức tin tức rõ ràng đã hưởng lợi từ “hiệu ứng Trump” từ rất lâu trước khi đại dịch COVID bùng phát.
Năm 2014, một năm trước khi ông Trump tuyên bố tranh cử, ba mạng tin tức truyền hình cáp hàng đầu đã thu hút trung bình 2,8 triệu người xem mỗi đêm trong giờ vàng. Vào năm 2019, năm thứ ba ông Trump ở Nhà Trắng, con số này tăng gần gấp đôi lên 5,3 triệu người xem mỗi đêm.
Sự nổi lên của ông Trump có liên hệ chặt chẽ với thành công của các kênh tin tức đến mức từng có cáo buộc cho rằng các mạng tin đã tạo điều kiện cho ông – không ngừng phát sóng các bài phát biểu bị cho là “phân biệt giới tính”, “kỳ thị chủng tộc”, với số lượng tương đương với quảng cáo chính trị miễn phí.
Chủ tịch CNN Jeff Zucker từng thừa nhận vào năm 2018: “Chúng tôi thấy rằng, bất cứ khi nào bạn tách khỏi câu chuyện về ông Trump và đề cập đến các sự kiện khác trong thời đại này, khán giả sẽ quay đi”.
Một số tờ báo hàng đầu cũng có thể cảm ơn ông Trump, ít nhất một phần, vì sự gia tăng mạnh mẽ lượng đăng ký trực tuyến (subcriber) trong 5 năm qua. Tờ New York Times khởi đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông với 3 triệu người đăng ký và kết thúc nhiệm kỳ với 7,5 triệu.
Tờ Washington Post tăng gấp 3 lượng đăng ký trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.
Một số tổ chức tin tức nhỏ hơn cũng được hưởng lợi bằng cách “chọc giận” ông Trump, người thường xuyên công kích truyền thông là “kẻ thù của nhân dân”.
Tờ Vanity Fair lập tức có thêm 13.000 người đăng ký mới vào năm 2016 sau khi ông Trump đăng dòng tweet phản ứng giận dữ trước bài bình luận của tạp chí này về nhà hàng bít tết của ông ở New York.
Tờ Atlantic đã thu hút một làn sóng khán giả đăng ký mới sau khi ông Trump phản ứng vui vẻ với việc sa thải người tại tạp chí này vào tháng 5/2020 và thêm nhiều người đăng ký nữa vào tháng 9 sau khi đưa tin Tổng thống đã gọi những người lính thiệt mạng trong chiến đấu là “kẻ thua cuộc” và “kẻ tồi tệ”.
Trong khi đó các tổ chức tin tức khu vực và báo chí địa phương cũng tiếp tục mất lượng quảng cáo, khán giả khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump kết thúc.
Trên phạm vi quốc gia, những vụ bê bối và hành động bộc phát của ông Trump đã giúp các phóng viên bán sách, ký các hợp đồng bình luận có giá và giành được nhiều giải thưởng. Các nhà báo đã giành được hàng chục giải Pulitzer cho những bài có liên quan đến ông Trump từ năm 2017 đến 2020, bao gồm cuộc điều tra về thuế, mối quan hệ với Nga trong chiến dịch tranh cử, các tổ chức từ thiện của ông, hay cáo buộc chi tiền cho hai phụ nữ trước cuộc bầu cử 2016.
Vào năm 2018, mạng truyền hình Showtime đã phát hành bộ phim tài liệu 4 phần “về New York Times trong thời đại Trump”.
Biên tập viên hàng đầu của tờ Times, Dean Baquet, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng ông Trump mang lại lợi nhuận cho tờ báo. Nhưng ông cũng nói rằng tờ Times đã tung ra những câu chuyện bom tấn trong cùng thời kỳ mà không liên quan gì đến tổng thống, chẳng hạn như cuộc điều tra đoạt giải Pulitzer về ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein.
Ông Baquet mô tả, “cú hích Trump” về cơ bản là lành mạnh. “Khán giả của chúng tôi đã tăng lên trong bốn năm qua vì mọi người hiểu rằng báo chí độc lập và năng nổ là quan trọng đối với nền dân chủ”, Baquet nói.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức (và nhiều tin tức) trong một nền dân chủ thời “hậu Trump”. Nhưng cho đến nay, Nhà Trắng thời Tổng thống Biden đang không tạo ra những “cơn sốt” trên Twitter hàng ngày, hàng giờ hay những cuộc tranh cãi bất tận tràn ngập các cột báo và bản tin truyền hình.
Làm thế nào để lấp đầy khoảng trống mà ông Trump để lại? Theo Cameron Barr, quyền Tổng biên tập của tờ Washington Post, cho biết có lẽ là cần nhiều nhà báo hơn.
Tờ báo này đang trong đợt tuyển dụng lớn nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 nhà báo trong tòa soạn và có kế hoạch bổ sung thêm 150 nhân viên. Ông Barr cho biết việc mở rộng nhân sự sẽ tạo ra nhiều thông tin hơn về các vấn đề chủng tộc, tin tức kinh doanh và quốc tế, và các trung tâm tin tức nóng hổi ở Seoul và London sẽ cho phép tờ báo theo dõi các diễn biến suốt ngày đêm.
Còn đối với Nhà Trắng, ông Barr cho hay: “Chúng tôi dự định sẽ đưa tin về tổng thống một cách mạnh mẽ như chúng tôi đã đưa về những người tiền nhiệm của ông ấy”.