Theo hãng tin Reuters (Anh), ngày 6/9, các trường đại học tư nhân ở Afghanistan đã mở cửa trở lại, 3 tuần sau khi nhiều cơ sở dạy học phải tạm ngưng hoạt động khi Mỹ rút quân và Taliban kiểm soát thủ đô Kabul.
Kandahar và Herat, hai trong số các sinh viên tại trường đại học ở Kabul, phản ánh rằng chỗ ngồi của nữ sinh đã bị ngăn cách với nam giới bằng một tấm rèm giữa lớp học. Họ cũng chỉ được phép đi lại ở một số khu vực nhất định trong khuôn viên trường.
Anjila, nữ sinh 21 tuổi tại Đại học Kabul, người đã quay lại video cho thấy lớp học của cô bị ngăn cách, chia sẻ qua điện thoại: “Việc treo rèm là không thể chấp nhận được. Tôi thực sự cảm thấy khủng khiếp mỗi khi bước vào lớp học. Chúng tôi đang dần quay trở lại thời điểm cách đây 20 năm”.
Anjila cho biết trước khi Taliban tiếp quản Afghanistan, các sinh viên nữ cũng ngồi tách biệt với nam giới, nhưng các lớp học không bị ngăn cách về mặt vật lý.
Trước đó, Cơ quan quản lý giáo dục của Taliban đã ban hành quy định mới đối với các trường cao đẳng và đại học tư thục ở Afghanistan. Theo đó, nữ sinh phải mặc áo choàng abaya, quấn khăn niqab che gần hết khuôn mặt và ra vào bằng lối đi riêng. Ngoài ra, quy định mới của Taliban cũng chỉ cho phép giáo viên nữ dạy nữ sinh và trong các lớp học, sinh viên nữ phải ngồi tách biệt với sinh viên nam.
Một quan chức cấp cao của Taliban cho rằng việc ngăn cách lớp học bằng rèm là "hoàn toàn có thể chấp nhận được". Hơn nữa, do "nguồn lực và nhân lực hạn chế", tốt nhất nên "chỉ cần một giáo viên dạy cả hai phía trong lớp."
Các bức ảnh do Đại học Avicenna ở Kabul chia sẻ đang lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy giữa lớp học có một bức rèm xám ngăn cách, các nữ sinh mặc áo choàng dài và trùm đầu nhưng vẫn có thể nhìn thấy khuôn mặt của họ.
Một giáo sư báo chí giấu tên tại Đại học Herat, phía tây Afghanistan, cho biết ông quyết định chia lớp học kéo dài 1 giờ của mình thành hai ca, đầu tiên dạy nữ và sau đó là nam. Tuy nhiên, trong số 120 sinh viên đã đăng ký tham gia khoá học, chưa đến 1/4 đến trường vào hôm 6/9. Một số sinh viên và giáo viên đã rời khỏi đất nước.
"Các học sinh hôm nay rất lo lắng. Tôi đã nói với họ rằng hãy tiếp tục đến lớp và tiếp tục nghiên cứu cho đến những ngày tới chính phủ mới sẽ đặt ra các quy định mới”, ông nói.
Sher Azam, một giảng viên 37 tuổi tại một trường đại học tư ở Kabul, cho biết trường của ông đã cho các giáo viên lựa chọn tổ chức các lớp học riêng cho nam và nữ, hoặc ngăn các lớp học bằng rèm. Nhưng ông lo lắng không biết có bao nhiêu sinh viên sẽ quay trở lại, trong bối cảnh người dân Afghanistan đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
"Tôi không biết có bao nhiêu sinh viên sẽ quay trở lại trường, vì nhiều người đang gặp vấn đề tài chính và một số sinh viên sống trong các gia đình bị mất việc làm", ông Azam nói.
Trong khi đó, các chính phủ nước ngoài đang theo dõi chặt chẽ những động thái của Taliban đối với các trường đại học và trường học trên khắp Afghanistan. Nhiều chính phủ cho biết việc họ chỉ công nhận chính quyền mới của Taliban và tiếp tục viện trợ cho Afghanistan nếu lực lượng này cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ.
Trong thời kỳ cai trị từ năm 1996 đến năm 2001, Taliban đã ra quy định cấm trẻ em gái đến trường, không cho phép phụ nữ đi học đại học hoặc đi làm. Tuy nhiên, Taliban thời 2.0 từng tuyên bố sẽ đảm bảo phụ nữ có thể tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội dựa theo luật Hồi giáo Sharia. Song, nhiều người vẫn hoài nghi về những cam kết đó. Họ lo sợ các quyền phụ nữ mà họ đã đấu tranh trong suốt nhiều thập kỷ sẽ bị tước đoạt một cách vô nghĩa.