Theo tổ chức trên, ước tính 43.059 người đã phải di dời do thiếu nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt. Trong số đó, có 30.000 người dân ở thành phố Derna phải di dời đến các khu vực khác ở phía Đông và Tây thành phố này.
Trong tuần này, Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm ở các khu vực bị ảnh hưởng và điều này có thể gây ra cuộc khủng hoảng thảm khốc thứ hai. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Libya cũng khuyến cáo người dân không sử dụng nước bị ô nhiễm ở những khu vực hứng chịu thảm họa lũ lụt.
Hiện nhu cầu cấp thiết bao gồm lương thực, thực phẩm, nước uống và hỗ trợ chăm sóc y tế, đặc biệt là đối với sức khỏe tâm thần. Trong nỗ lực giúp Libya khắc phục hậu quả thiên tai, nhiều nước và tổ chức quốc tế tiếp tục cung cấp và chuyển hàng viện trợ tới Libya. Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), bà Samantha Power cho biết chuyến hàng viện trợ của Mỹ đã đến thành phố Benghazi ở miền Đông Libya hôm 20/9.
Trong khi đó, hôm 18/9, hàng trăm người tụ tập bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Derna, yêu cầu giới chức điều tra nguyên nhân gây ra thảm họa lũ lụt nói trên, đồng thời kêu gọi tái thiết thành phố Derna dưới sự giám sát của Liên hợp quốc.
Phát biểu trên truyền hình chiều 20/9, Tổng công tố Libya Al-Seddik al-Sour tuyên bố sẽ nhanh chóng công bố kết quả điều tra về vụ vỡ hai con đập, dẫn tới lũ lụt kinh hoàng ở thành phố duyên hải Derna, miền Đông Libya. Quan chức này khẳng định sẽ điều tra nghiêm túc để đem lại công bằng cho những nạn nhân của thảm họa lũ lụt.
Cho đến nay, thảm họa lũ lụt do ảnh hưởng của bão Daniel gây ra hôm 10/9 đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và mất tích, trong đó nhiều người bị chôn vùi dưới đống đổ nát, bùn đất hoặc bị cuốn trôi ra biển. Giới chức Chính phủ Libya và các cơ quan viện trợ quốc tế đang hoạt động tại quốc gia Bắc Phi này cung cấp những dữ liệu khác nhau về số người thiệt mạng, trong khoảng từ 4.000 đến trên 11.000 người.