Các trận lũ quét chưa từng thấy đã tàn phá cơ sở hạ tầng, cầu, đường, mùa màng, làm hơn 1000 người thiệt mạng trong những tuần gần đây, ảnh hưởng tới hơn 33 triệu người, tức 15% dân số Pakistan. Đây là đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 1 thập kỷ qua ở nước này.
Bộ trưởng Iqbal cho rằng phải mất 5 năm để tái thiết đất nước và tái định cư người dân, trong khi trước mắt phải ứng phó với tình trạng khan hiếm lương thực nghiêm trọng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Sherry Rehman nêu rõ 1/3 diện tích lãnh thổ Pakistan hiện đang ngập lụt và tình hình hiện nay là "thảm họa nhân đạo do khí hậu gây ra".
Các quan chức Pakistan cho biết tổng cộng 1.136 người đã thiệt mạng kể từ tháng 6 vừa qua, khi mùa mưa bắt đầu, song con số cuối cùng có thể sẽ còn cao hơn vì hàng trăm ngôi làng tại vùng núi phía Bắc đang bị cô lập sau khi lũ lụt phá hỏng cầu và đường. Ông Rehman mô tả: “Tất cả như một đại dương lớn, không còn vùng đất khô nào để tiêu nước”.
Để khắc phục tình trạng thiếu lương thực, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Miftah Ismail cho biết nước này sẽ cân nhắc nhập khẩu rau củ quả từ Ấn Độ.
Giới chức Pakistan so sánh các trận lũ lụt gần đây nghiêm trọng hơn đợt lũ lụt lịch sử năm 2010 khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và nhấn chìm gần 1/5 diện tích đất nước.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã hủy chuyến công du Anh để trực tiếp giám sát công tác cứu hộ, cứu nạn. Chính phủ Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ngày 29/8, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Stephane Dujarric cho biết LHQ sẽ tăng cường hỗ trợ Pakistan ứng phó với lũ lụt nghiêm trọng.
Theo ông Dujarric, LHQ cùng với Chính phủ Pakistan đang lên kế hoạch quyên góp 160 triệu USD cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp nhằm giúp những người dễ bị tổn thương nhất. Lời kêu gọi sẽ được đưa ra đồng thời từ Geneva và Islamabad trong ngày 30/8. Ông cho biết thêm hiện LHQ đã huy động khoảng 7 triệu USD, trong đó có nguồn kinh phí từ các chương trình hiện tại và các nguồn khác để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp nhất. Bên cạnh đó, Quỹ ứng phó khẩn cấp trung tâm của LHQ đã phân bổ 3 triệu USD cho các dịch vụ y tế, dinh dưỡng, lương thực, nước và vệ sinh dịch tễ cho những người cần hỗ trợ nhất.