Những trận mưa xối xả kéo dài từ đầu tuần này đã gây ra lũ lụt khiến ít nhất 95 người thiệt mạng, trở thành thảm họa thiên nhiên gây ra số người tử vong nhiều nhất ở Tây Ban Nha kể từ năm 1973.
Sáng 29/10, Cơ quan thời tiết nhà nước AEMET đã ban hành cảnh báo đỏ đối với vùng Valencia, miền Đông nước này, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, phải đến chiều tối cùng ngày, cơ quan đối phó tình trạng khẩn cấp khu vực mới được thành lập. Thêm vào đó, thông báo yêu cầu người dân ở thành phố Valencia không rời khỏi nhà chỉ được gửi đi vào lúc 20h tối cùng ngày.
Theo phản ánh của người dân, cơ quan chức năng Tây Ban Nha đã chậm trễ trong công tác cảnh báo lũ lụt. Họ chỉ nhận được thông báo khi nước lũ đã tràn vào, nhiều tài xế do không nắm được tình hình đã lái xe ra đường và bị cuốn trôi.
Theo bà Hannah Cloke, Giáo sư thủy văn tại Đại học Reading, nếu các cơ quan dự báo thời tiết đưa ra cảnh báo sớm, những thảm kịch như vậy hoàn toàn có thể tránh được khi người dân không di chuyển tới các khu vực có dòng nước lũ dâng cao. Bà cho rằng với tình trạng thiệt hại hiện nay, hệ thống cảnh báo của Valencia “đã thất bại”.
Bà Liz Stephens, Giáo sư về rủi ro khí hậu và khả năng phục hồi tại Đại học Reading, đã nêu bật sự cần thiết phải hành động quyết liệt hơn để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bà cho rằng việc để nhiều người thiệt mạng do những sự kiện có thể dự báo trước là một điều khó có thể chấp nhận, đặc biệt khi nhiều quốc gia có đủ nguồn lực để bảo vệ người dân của mình.
Bộ trưởng phụ trách quan hệ giữa chính quyền trung ương và các địa phương tại Tây Ban Nha, ông Angel Victor Torres, đã từ chối đưa ra bình luận về khả năng các cơ quan chức năng chậm trễ trong việc gửi cảnh báo tới người dân.
Hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay ở Tây Ban Nha do luồng không khí lạnh di chuyển qua vùng nước ấm của Địa Trung Hải, tạo ra những đám mây mưa dữ dội, một hiện tượng thường thấy vào thời điểm này trong năm. Sự nóng lên của biển Địa Trung Hải làm gia tăng quá trình bốc hơi nước, đóng vai trò chính trong việc gây ra những trận mưa lớn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng các sự kiện thời tiết cực đoan đang trở nên dữ dội hơn, kéo dài hơn và xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Trong một số trường hợp, ngay cả những quốc gia có hệ thống cảnh báo hiện đại cũng khó lòng đối phó với những sự kiện bất ngờ.
Ông Leslie Mabon, giảng viên cao cấp về hệ thống môi trường tại Đại học Mở của Anh, nhận định: “Lũ lụt ở Tây Ban Nha là một lời nhắc nhở rằng không quốc gia nào được miễn nhiễm trước những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra”.