Vùng biên giới giữa Cộng hòa Séc và Ba Lan bị ảnh hưởng nặng nề vào cuối tuần qua. Lũ lụt đã khiến một số cây cầu bị sập và nhà cửa bị phá hủy, trong khi nhiều ngôi làng và thị trấn ở miền Đông Romania ngập lụt. Theo kế hoạch, Chính phủ Ba Lan sẽ nhóm họp trong ngày 16/9 để ban bố tình trạng thảm họa.
Mặc dù nước trên các con sông ở khu vực biên giới Cộng hòa Séc - Ba Lan bắt đầu rút, nhưng tình trạng lụt lội vẫn đang lan rộng.
Tại CH Séc, nước sông Morava liên tục dâng trong đêm khiến 70% thành phố Litovel, cách thủ đô Prague 230 km về phía Đông, với dân số gần 10.000 người, chìm trong biển nước. Nhiều trường học và cơ sở y tế đã phải đóng cửa. Trong khi đó, tình trạng ngập lụt ở Ostrava của CH Séc đã khiến 1 nhà máy điện cung cấp nhiệt và nước nóng cho thành phố cũng như 2 nhà máy hóa chất phải đóng cửa.
Thủ tướng CH Séc Petr Fiala cho biết trên 12.000 người ở nước này đã phải sơ tán, đồng thời triệu tập phiên họp chính phủ đặc biệt vào ngày 16/9 để bàn về tình hình lũ lụt.
Ở Romania, lũ lụt đã khiến 6 người thiệt mạng vào cuối tuần qua.
Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Czeslaw Mroczek cho biết hàng nghìn nhân viên cứu hỏa, cảnh sát và binh lính đã được huy động để ứng phó với lũ lụt trong 24 giờ qua trong khi chính phủ vẫn đang xác định quy mô thiệt hại.
Tại Slovakia và Hungary, chính quyền thủ đô Bratislava và Budapest đều đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó khi nước sông Danube dâng lên.
Trong khi đó, dù mức nước sông và hồ chứa ở Áo đã xuống khi mưa giảm nhưng nhà chức trách cho biết đang chuẩn bị ứng phó với nguy cơ xảy ra mưa lớn hơn trong vài giờ tới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi tinh thần đoàn kết hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng. Bà khẳng định EU sẽ hỗ trợ các nước bị thiệt hại bằng nhiều hình thức.