Theo Tân Hoa xã, Lu Xiwan, một nông dân ở khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung QUốc đã trồng 13,3 hecta lúa “khổng lồ” trong năm nay. Bà đã thu hoạch được sản lượng cao hơn 2.200 - 3.000 kg/hecta so với các năm trước.
China News Service ngày 19/8 đưa tin giống lúa khổng lồ này có khả năng cho năng suất cao hơn 30% so với lúa thông thường, đạt 9.000 kg/ha.
Trước đó, năm 2017, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Cận nhiệt đới Trung Quốc đã phát triển ra giống lúa “khổng lồ” với mục đích tăng năng suất cây trồng. Theo Tân Hoa Xã, giống lúa này có thể cao tới 2,2 mét và sở hữu một số lợi thế bao gồm sản lượng cao hơn, khả năng chịu hạn và khả năng chống ngập úng, bệnh tật và sâu bệnh tốt.
Báo cáo mới nhất về sản lượng của giống lúa lai Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đã tăng thuế và cấm xuất khẩu các giống gạo non-basmati, do mùa thu hoạch kém sau khi hiện tượng El Nino gây lũ lụt trên diện rộng ở nước này.
Ông Jauhar Ali, nhà nghiên cứu và người đứng đầu bộ phận nông nghiệp lúa lai tại Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines, cho rằng đã đến lúc giống lúa lai này cần được công nhận như một biện pháp để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Theo IRRI, các giống lúa lai được tạo ra khi hai cây lúa bố mẹ khác nhau về mặt di truyền được lai tạo với nhau, truyền lại những đặc điểm của cả hai cho cây con. Trong một chu kỳ nhân giống, nhiều tính trạng mong muốn có thể được truyền lại.
Lúa lai khác với lúa biến đổi gien, trong đó các gien ngoại lai được đưa vào cây trồng bằng các kỹ thuật khác nhau.
Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết việc khôi phục ngành hạt giống của nước này sẽ tập trung vào việc “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung cấp hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp quan trọng”. Trong đó, lúa lai là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh kể từ khi nhà khoa học Yuan Longping, “cha đẻ của lúa lai”, phát minh ra những giống đầu tiên vào những năm 1970.
Nhà nghiên cứu Ali cho biết hầu hết các giống lai trên toàn thế giới đều được phát triển từ các yếu tố của giống Trung Quốc. Ông nói rằng mặc dù Trung Quốc có lịch sử lâu đời về lúa lai, nhưng tỷ lệ lúa lai được trồng ở nước này vẫn trì trệ, ở mức khoảng 55% do chi phí trồng trọt ngày càng tăng.
Theo IRRI, các giống lúa lai có thể mang lại năng suất cao hơn 15 - 20% so với lúa thường trong điều kiện canh tác thông thường. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy một số giống lúa có thể mang lại sản lượng lên tới 30%.
Ông nói rằng việc tăng chiều cao của cây lúa có thể đi kèm với những thách thức như vòng đời dài hơn và mức sử dụng tài nguyên lớn hơn.
Tháng 10 năm ngoái, China Daily đưa tin một nông dân trồng lúa lai Trung Quốc đã thu hoạch năng suất lúa gấp 1,5 lần so với lúa thông thường. Ông Ali cho rằng nếu điều này có thể được nhân rộng, giống lúa khổng lồ này có thể là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”.
Tuy nhiên, khí hậu có thể đặt ra thách thức đối với việc áp dụng giống này trên toàn cầu bởi nhiều giống lai chỉ được tạo ra để phát triển ở các khu vực phi nhiệt đới. Do đó, chúng phải vật lộn để thích nghi với vùng nhiệt đới. Nhưng nếu giống lai có thể phát triển trong khi vẫn giữ được lợi thế về năng suất ở vùng nhiệt đới thì hiển nhiên, việc trồng giống lúa này sẽ được nhân rộng ở nhiều nơi.
Hiện nay, công nghệ lai giống tập trung vào việc sản xuất giống lúa có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu. Các trung tâm phát triển giống lai, như IRRI cũng đang tập trung vào các giống lúa có thể chịu được nhiệt độ nhiệt đới, độ mặn, hạn hán và lũ lụt.
Ông Ali cho hay một số giống lúa có thể giảm lượng khí thải carbon bằng cách rút ngắn thời gian tăng trưởng, giúp giảm lượng khí thải mêtan và sử dụng ít tài nguyên hơn.
Ngoài ra, một trở ngại khác đối với việc nhân giống lúa lai đs là một số quốc gia nhận thấy nhập khẩu gạo rẻ hơn so với việc trồng lúa. Điều này khiến họ tập trung vào trồng các loại cây có lợi ích kinh tế hơn.
Trong khi tiến trình nhân giống lúa lai diễn ra khá chậm chạp, nhà nghiên cứu Ali cho rằng nếu khủng hoảng lương thực xảy ra, việc lai tạo mặc định sẽ lan rộng vì lợi thế về năng suất của giống này là đáng kể.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thậm chí còn gửi hạt giống ra ngoài vũ trụ nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, vi trọng lực và bức xạ vũ trụ có thể tạo ra những đột biến dẫn đến những đặc điểm tăng trưởng như mong muốn. Quá trình này, được gọi là đột biến không gian, bao gồm việc gửi hạt giống vào không gian, đưa chúng trở lại Trái Đất, sau đó phát triển và đánh giá chúng để có những đặc điểm mong muốn.
Trong cuộc họp báo ngày 18/8, ông Lin Xiqiang, Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, cho biết hạt giống đột biến trong không gian đã giúp tăng sản lượng ngũ cốc thêm 2,6 tỷ kg, mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp 52,3 tỷ USD cho nước này.