Nô nức chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhân dân một số nước không được đón Năm Mới, không phải vì không có điều kiện kinh tế, như cảnh “có một người nghèo không biết Tết, mang lỳ chiếc áo độ Thu tàn”, mà vì luật pháp nước đó không cho đón Năm Mới, như trường hợp của Saudi Arabia.
Hãng RIA-novosti đưa tin thêm, một đạo luật vừa ban hành cấm công dân Saudi Arabia bày tỏ cảm xúc vui mừng trước sự kiện Năm Mới, các chủ cửa hàng không được bán quà tặng tết và hoa.
Trước thềm năm 2014, Bộ Giáo dục và Khoa học Tajikistan đã cấm sinh viên đại học tổ chức dạ hội mừng Năm Mới. Đồng thời, cấm đốt pháo hoa, mua quà tặng, tuyệt đối cấm các khoản phung phí, dạ tiệc. Đồng thời, theo các phóng viên báo “Ngày” của Nga, bốn kênh truyền hình quốc gia Tajikistan được lệnh không chiếu các cảnh đón mừng Năm Mới với các hình ảnh hội hè, cảnh rượu chè bày trên bàn, các hình ảnh cây thông hay các nhân vật vui nhộn,…
Luật là luật, có thể một số cá nhân, thậm chí rất đông người không hài lòng. Nhưng ít ai dám tranh luận về tính bức thiết, tính logic hay sự cần thiết phải áp đụng một đạo luật để khôi phục công lý, trừng trị kẻ ác hay ngăn chặn tội phạm. Nhưng ở một số nước, kể cả các nước văn minh phát triển, có những điều luật khó lý giải về mặt lý trí.
Châu Âu có không ít những đạo luật vô lý đùng đùng. Chẳng hạn ở Vương quốc Anh, trong ngôi nhà nghị viện, không ai được phép mặc trang phục hiệp sĩ, ở thành phố Chester chỉ được bắn cung vào đêm khuya. Còn ở London chỉ có thể “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với vợ sau 9 giờ đêm nhưng không được làm phiền hàng xóm.
Ở Scotland, nếu có ai đó gõ cửa xin đi nhờ vệ sinh thì chủ nhà bắt buộc phải đáp ứng. Ở Iceland, bất kỳ ai cũng có thể hành nghề y tế nếu nhà có treo biển Scottulaejir - “thày lang”.
Ở Pháp, ai cũng phải thận trọng đối với các bảng hiệu và tên gọi. Sẽ là phạm pháp nếu gọi lợn là Napoleon. Xin mở ngoặc nói thêm trong khi ở Nga, con mèo hung thường được gọi là Chubai hay dê được gọi là Boris - một cái tên quá phổ biến của các chính khách/nhà tài phiệt - thì chẳng ai bị tù tội gì cả. Cũng ở Pháp còn có quy định cấm đỗ “đĩa bay” trên các cánh đồng nho toàn quốc.
Xin đề cập đến luật giao thông ở Đan Mạch. Chẳng hạn, có điều luật cấm nổ máy xe nếu có ai đó đang nằm dưới gầm xe, hay không được chạy xe song song với xe ngựa, và để ngựa khỏi sợ, xe hơi phải đỗ sang bên lề đường. Nếu ngựa vẫn sợ thì người lái xe hơi phải tìm cách tạm che phủ chiếc xe đó.
Chính quyền Israel rất chú tâm tới động vật. Bằng chứng là ở thành phố Haifa có đạo luật cấm đưa gấu ra bãi tắm. Ở Arad, cho động vật ăn ở nơi công cộng là hành động phạm pháp. Trên toàn lãnh thổ Israel có đạo luật cấm hỉ mũi ngoài phố vào các ngày thứ Bảy, ở một số thành phố nước này còn áp dụng điều luật cấm bật đèn sáng và nói chuyện ầm ĩ vào các ngày nghỉ.
Còn chính quyền Italy thực sự có thái độ “nghiêm ngặt” đối với pho mát. Tại thành phố Ferrara, công nhân ngủ gật bên dây chuyền sản xuất pho mát có thể bị cầm tù. Điều luật này mang bản sắc truyền thống Italy vì vài trăm năm trước người ta đã có sắc luật quy định phụ nữ phẩm hạnh kém không được tiến lại gần lò nấu pho mát.
Tại quốc đảo Singapore, chính quyền rất coi trọng vệ sinh đường phố. Kẻ vứt rác bậy ba lần nếu bị bắt sẽ phải quét dọn đường phố vào các ngày Chủ Nhật. Hình phạt này được truyền hình trực tiếp trên truyền hình địa phương.
Có địa phương ở Trung Quốc còn áp dụng những đạo luật vô cùng khó hiểu, như cấm cứu người chết đuối vì như vậy là can thiệp vào vận mệnh của người ta. Tại Saudi Arabia, chính quyền có thái độ lạ lùng với giáo dục, như cấm phụ nữ theo học ngành y hay cấm bác sĩ nam khám bệnh cho phụ nữ.
Người ta cũng rất ngạc nhiên trước một số đạo luật ở Ấn Độ. Sẽ phạm luật nếu để năm sợi lông chuột cống hay cục phân loài vật lên 1 kg gạo, lúa mì, ngô hay bột ngũ cốc. Chính quyền bang Bihar ở miền Bắc Ấn Độ có ban hành đạo luật hà khắc: kẻ giết bò sẽ bị treo cổ.
Còn các đạo luật ở Australia rất chú trọng thời trang. Công dân nước này khi dạo phố không được mặc quần áo đen hay đi giày mềm, cũng như cấm dạo chơi ngược chiều xe (bên phải). Còn đạo luật được ban hành từ thời còn đi xe ngựa, vẫn còn hiệu lực: cấm các bác tài lái taxi ra phố nếu thiếu một bó cỏ. Có lẽ các bác tài ngày nay nên để cỏ trong khoang hành lý xe hơi.
Canada cũng không thiếu những đạo luật “lạ” như: nếu mua một món hàng trị giá 50 xu thì không được trả hoàn toàn bằng loại tiền 1 xu; cứ năm bài hát phát trên sóng phát thanh thì phải có một bài do ca sĩ gốc bản địa thực hiện; tất cả các biển hiệu phải viết bằng tiếng Pháp; nếu chủ cửa hiệu muốn treo biển bằng tiếng Anh thì kích cỡ chữ cái tiếng Anh phải nhỏ bằng 1/2 chữ cái tiếng Pháp.
Nước Mỹ mới là xứ sở ban hành nhiều đạo luật kỳ lạ nhất. Theo luật pháp bang Florida, người nội trợ không được đập vỡ quá ba chiếc đĩa trong một ngày, hay không được làm sứt mẻ quá bốn chiếc bát. Luật bang Indiana cấm công dân đi nhà hát, rạp chiếu bóng, hay tầu điện trong vòng bốn tiếng đồng hồ kể từ khi ăn tỏi. Bang Arizona cũng có quy định phạt những kẻ nào cho lừa ngủ trong nhà tắm hay cấm đi săn lạc đà, còn kẻ nào ăn trộm xà phòng thì bị buộc phải tắm bằng xà phòng đó cho đến hết xà phòng mới thôi. Bang Alabama vô địch về những đạo luật kỳ quái. Chẳng hạn, ở thành phố Jasper, người chồng không thể dùng chiếc gậy to hơn ngón tay cái để choảng vợ. Ở thành phố Montgomery, khách bộ hành không được bật ô dù ngoài phố vì làm ngựa sợ. Mobil cấm phụ nữ đi giầy cao gót.
Ngoài ra, luật pháp Alabama còn cấm bịt mắt lái xe. Bạn cũng phạm pháp ở bang này nếu để kem trong túi, nhổ nước bọt khi có mặt phụ nữ, dán râu khi vào nhà thờ và đeo mặt nạ khi ra phố. Bang Pennsylvania cực kỳ chú trọng đến vệ sinh, khi ban hành các đạo luật cấm các bà nội trợ giấu rác và bụi dưới thảm nhà. Có đạo luật cấm 16 phụ nữ sống chung trong một nhà. Thật kỳ lạ khi cũng luật pháp của bang này cho phép tới 120 đàn ông được sống chung.
Bang Idaho có điều luật cấm cưỡi lạc đà câu cá. Bang Minnesota cấm phơi quần áo lót của đàn ông và nội y phụ nữ trên cùng một dây phơi. Thành phố Kleveland, bang Ohio cấm phụ nữ đi giầy láng bóng vì đàn ông có thể thấy “hàng bị lộ” khi phản chiếu trên mặt giầy. Cũng bang này, thành phố Oxford cấm phụ nữ thay quần áo trước bức tranh chân dung đàn ông. Còn tại Seattle thuộc bang Washington, phụ nữ không được ngồi trên đùi đàn ông trong xe buýt hay trong tầu hỏa nếu không kê gối, và hình phạt là tù một năm.
Thành phố New York cấm bày manơcanh "nuy". Cũng bang New York còn có đạo luật phạt đàn ông mặc quần không hợp với áo vét khi ra phố. Chính quyền thành phố Washington còn đi xa hơn, khi cấm kênh kiệu làm ra vẻ có bố mẹ giàu. Ngoài ra còn có quy định những kẻ đến bang này với ý định phạm tội phải có nghĩa vụ gọi điện báo cho cảnh sát và thông báo kế hoạch phạm tội.
Các đệ tử lưu linh phải lấy làm vui mừng vì bang Kentucky có quy định dù có quá chén nhưng vẫn còn đứng vững thì không thể coi là say rượu, phụ nữ không được mặc quần áo tắm đi trên xa lộ nếu không có cảnh sát đi kèm. Thành phố Hartford cũng thuộc bang này cấm lộn người trồng cây chuối khi băng sang đường. Bắc Carolina cấm các tổ chức xã hội tổ chức gặp gỡ nếu các thành viên cùng mặc quần áo giống nhau.
Ở thành phố Galesburg bang Illinois, dùng gậy đánh bóng chày đập chuột sẽ bị phạt 1.000 USD, cũng bang này có đạo luật cấm đàn ông để râu hôn phụ nữ. Ở Baltimor, có quy định không được dắt sư tử vào nhà hát, rồi có thành phố cấm bán bàn chải và thuốc đánh răng cho cùng một khách mua vào các ngày Chủ Nhật, cấm trêu chọc chó hay cấm cắn một khúc hamburger của người khác, có đạo luật cấm khạc nhổ khi đang đi xe con hoặc xe buýt.
Đương nhiên có thể liệt kê tiếp những đạo luật kỳ quái, thậm chí không có tính khả thi, nhưng có lẽ trước đây chúng được ban hành thì cũng có một chút cơ sở nào đó. Đến nay, các đạo luật quá lỗi thời, nhưng chính quyền không muốn sửa. Người nước ngoài đến các nước trên chỉ có thể cười trừ khi được biết những cấm kỵ đó.
Tuy nhiên, không nên quên rằng các bạn có thể phải trả giá không chỉ vì không am hiểu luật, mà còn vì mơ hồ về lịch sử của nước sở tại.
Hương Giang (Theo Pravda.Ru)