Inquirer dẫn một nguồn tin từ Chính phủ Philippines cho biết Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Arthur Tugade gần đây đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Nhật Bản. Tokyo đã giúp phác thảo quy hoạch tổng thể phát triển vịnh Subic.
PCG đã nghiên cứu vịnh Subic để xây dựng trụ sở trong tương lai do đây là cảng nước sâu. Trụ sở chính của PCG cũng sẽ có một bến tàu khô, các cơ sở bảo dưỡng, sữa chữa và nhà kho để phục vụ mục đích cất giữ các trang thiết bị ứng phó thảm họa và cứu hộ.
Tính đến cuối năm 2019, PCG có ít nhất 13.000 nhân viên. Cơ quan này đang hướng đến mục tiêu đạt mức quân số tối đa là 25.000 người vào năm 2020.
Trụ sở của PCG hiện được đặt tại khu vực cảng chật chội ở Manila. Việc chuyển trụ sở tới vịnh Subic sẽ giúp PCG tiếp cận Biển Đông nhanh chóng hơn.
Vịnh Subic là địa điểm đóng căn cứ quân sự cũ của Mỹ cho đến khi đóng cửa vào năm 1992, nằm cách bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông khoảng 260 km. Đáng chú ý, các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc chưa bao giờ rời bãi cạn đang tranh chấp này.
Người phát ngôn PCG Armand Balilo khẳng định kế hoạch chuyển trụ sở của lực lượng này đến vịnh Subic đã được cân nhắc từ lâu, song từ chối xác nhận về yêu cầu của Bộ trưởng Tugade đối với Chính phủ Nhật Bản.
Hiện vẫn chưa rõ Nhật Bản sẽ hỗ trợ PCG ở mức độ nào trong việc di dời. Tuy nhiên, Inquirer dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Philippines cho biết ông đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Tokyo “như một phần của các dự án đầu tư ưu tiên trong Kế hoạch Phát triển Khu vực vịnh Subic”.
Trong những năm qua, Nhật Bản đã hỗ trợ rất nhiều cho PCG thông qua hoạt động tài trợ tàu thuyền, trang thiết bị, đào tạo về an ninh và an toàn hàng hải, cùng nhiều hoạt động khác.