Trong một tuyên bố, lực lượng đặc nhiệm G5 Sahel khu vực Tây Phi nêu rõ tổng thống các nước thành viên G5 Sahel mong muốn lực lượng tham gia binh biến kiên định với trật tự hiến pháp cũng như tôn trọng các thể chế được thiết lập một cách dân chủ. Nhóm G5 Sahel, gồm Burkina Faso, CH Chad, Mali, Mauritania và Niger, được thành lập năm 2014, nhằm tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố phản đối việc thay đổi chế độ bằng vũ lực.
Trong khi đó, các binh sĩ tham gia binh biến đã tuyên bố sẽ duy trì ổn định, thực thi tiến trình chuyển tiếp chính trị và tiến hành bầu cử trong thời gian hợp lý.
Trước đó cùng ngày, các binh sĩ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bomaka, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Mali xác nhận Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse bị giam giữ tại căn cứ quân sự ở thị trấn Kati. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội.
Hiện chưa rõ nhân vật chỉ đạo cuộc binh biến. Tuy nhiên, theo một người phát ngôn của lực lượng tham gia binh biến, tự gọi là Ủy ban Quốc gia bảo vệ nhân dân, đã hành động để bảo vệ Mali không lún sâu hơn vào khủng hoảng. Cuộc binh biến đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích của các đối tác quốc tế và khu vực của Mali.