Căn cứ quân sự Asaka ở phía Bắc thủ đô Tokyo, nơi diễn ra cuộc duyệt binh, đã mở cửa cho công chúng vào xem ở khoảng cách gần để có thể ngắm các hệ thống vũ khí mới nhất của Nhật Bản.
Theo Reuters, có khoảng 4.000 thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, 260 phương tiện và 40 máy bay đã tham gia cuộc duyệt binh.
"Nhật Bản là một hòn đảo, vì vậy phải liên hệ với các nước khác qua biển. Với sự kiện này, tôi cảm thấy Lực lượng Phòng vệ đang nóng lòng bảo vệ đất nước chúng tôi", một người dân tới xem diễu binh phát biểu.
Xem video các Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại cuộc duyệt binh ngày 14/10:
Đây là lần thứ 23 Nhật Bản tổ chức duyệt binh kỷ niệm Ngày Lực lượng Phòng vệ. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được thành lập 1/7/1954. Về lý thuyết đây không phải là một lực lượng quân đội nên những quân nhân phục vụ trong lực lượng này không được Nhật Bản coi là binh lính mà đều được coi là công chức nhà nước.
Cuộc duyệt binh diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách sửa đổi điều 9 Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản sau Thế chiến II, vốn quy định nước này không được sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế.
Tại sự kiện trên, Thủ tướng Abe đã một lần nữa nhắc lại cam kết của ông về việc thúc đẩy sửa đổi hiến pháp hòa bình của đất nước, trong đó ông muốn vai trò của quân đội phải được đề cập một cách rõ ràng.
Theo AP, phát biểu trước khoảng 4.000 binh sĩ, ông Abe nói việc sửa đổi là cần thiết để đem lại niềm tự hào cho các binh sĩ. "Các bạn đã giành được sự tin tưởng của công chúng bằng chính nỗ lực của mình. Giờ là lúc để các chính trị gia chúng tôi hoàn thành trách nhiệm của mình về việc đảm bảo một môi trường nơi tất cả thành viên của Lực lượng Phòng vệ có thể hoàn thành nhiệm vụ với niềm tự hào", ông Abe nói.
Về lý thuyết, Nhật Bản không có lực lượng quân đội mà chỉ có Lực lượng Phòng vệ (SDF). Do vậy, SDF thực chất chính là quân đội quốc gia Nhật Bản. SDF được đánh giá là lực lượng quân sự được trang bị tốt nhất và hiện đại nhất thế giới, hiện xếp thứ 8 thế giới xét về quy mô ngân sách.
Tái đắc cử ghế lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền hồi tháng trước, từ đó tiếp tục đảm nhiệm vai trò thủ tướng thêm 3 năm, ông Abe quyết tâm theo đuổi việc sửa đổi hiến pháp. Nhiều người bảo thủ tại Nhật Bản coi bản hiến pháp do Mỹ soạn thảo sau thất bại của phát xít Nhật trong Thế chiến II là nỗi hổ thẹn.
Những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản do Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Abe lãnh đạo đã liên tục mở rộng vai trò quốc tế của Lực lượng Phòng vệ bằng cách diễn giải nới lỏng về Điều 9 Hiến pháp. Năm 2015, chính phủ của ông Abe đã thông qua một dự luật về quốc phòng cho phép binh sĩ Nhật Bản bảo vệ Mỹ và các đồng minh khác trong các cuộc tấn công ở nước ngoài. Đây được xem là sự thay đổi cơ bản so với chính sách chỉ tự vệ của lực lượng này.