Đây là lễ hội có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với người theo đạo Hindu nói chung và với Ấn Độ nói riêng. Do người theo đạo Hindu chiếm khoảng 80% trong tổng dân số 1,4 tỷ người ở Ấn Độ nên Diwali được tổ chức linh đình trên cả nước.
Lễ hội Ánh sáng Diwali được lý giải theo nhiều cách khác nhau tùy theo khu vực, có nơi để tôn thờ Lakshmi – nữ thần của sự giàu có, thịnh vượng. Có nơi kỷ niệm sự trở lại vương quốc Ayodhya của hoàng tử Rama sau khi ông cứu vợ mình là Sita khỏi quỷ vương Ravana. Có nơi lại phổ biến truyền thuyết về thần Krishna giết quỷ vương Narakasura.
Mặc dù mỗi câu chuyện về Diwali có những tình tiết khác nhau, song nội dung chủ đạo đều xuất phát từ tín ngưỡng huyền thoại về các vị thần, đánh dấu chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của cái thiện trước cái ác, của tri thức trước ngu dốt và hy vọng trước tuyệt vọng. Các câu chuyện đều nhắc nhở rằng cái thiện cuối cùng cũng chiến thắng cái ác.
Diwali có nguồn gốc từ tiếng Phạn, Deepavali có nghĩa là hàng đèn. Vì vậy, lễ hội này được tổ chức bằng cách thắp đèn đất/đèn điện/nến ở khắp nơi. Theo đó, chúng ta không còn thấy bóng tối hiện diện mà thay vào đó là ánh sáng lung linh tràn ngập khắp không gian trong cả 5 ngày lễ. Mỗi ngày lễ được đặt tên khác nhau và mang ý nghĩa đặc trưng khác nhau.
Trong ngày đầu tiên, Dhanteras (ngày của sự thịnh vượng và giàu có), các tín đồ đạo Hindu thường ra chợ mua thứ gì đó quý giá bởi họ tin rằng việc này sẽ mang lại thịnh vượng và tài lộc cho suốt một năm tiếp theo.
Ngày thứ hai gọi là Naraka Chaturdashi hoặc Choti Diwali, là ngày thần Krishna chiến thắng chúa quỷ Narakasura, theo đó có ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối. Vào ngày này, mọi người dậy sớm và thoa dầu thơm lên người trước khi đi tắm gội để gột rửa mọi tội lỗi và ô uế khỏi cuộc sống. Sau đó, họ thắp đèn và cầu nguyện để xua tan bóng tối ngu dốt đồng thời hướng tới một ngày mai tươi sáng, ngập tràn niềm vui.
Ngày thứ ba, Lakshmi Puja, là chính hội được gọi là Diwali. Vào ngày này, thần thịnh vượng Lakshmi được tôn thờ với lòng thành kính. Mọi người mặc những trang phục truyền thống mới nhất và đẹp nhất, dâng lễ Puja, thắp đèn/nến và đốt pháo hoa khi mặt trời lặn.
Ngày thứ tư là Govardhan Puja hoặc Padva. Người ta nói rằng thần Krishna đã đánh bại Indra vào ngày này bằng cách nâng ngọn núi Govardhan khổng lồ. Trong ngày này, các món đồ ăn được trang trí đẹp mắt và được xếp thành từng ngọn núi nhỏ, tượng trưng cho ngọn Govardhan mà Krishna đã phải vượt qua. Các ông chồng thường tặng quà cho vợ vào ngày lễ này.
Ngày thứ năm của lễ Diwali được gọi là Bhai Dooj. Vào ngày này, các chị em đến thăm nhà anh trai và thực hiện nghi lễ tilak. Các chị em gái cầu nguyện cho anh trai sống lâu và hạnh phúc, còn các anh trai tặng những món quà quý giá cho em gái.
Thức ăn trong 5 ngày lễ cũng rất quan trọng. Trong thời gian Diwali, món ăn phổ biến nhất là mithai. Mithai là món kết hợp giữa một món ăn nhẹ, một món tráng miệng và một món ngọt. Đến Ấn Độ vào dịp này, du khách rất yêu thích món bánh Kaju Katli được làm từ hạt điều và sữa đặc hay những chiếc bánh Khajoor Barfi nhỏ xinh được làm từ quả chà là, hoặc món Rice Kheer, bhaji, gujiya.
Thật thiếu sót nếu không kể đến trang phục mà các tín đồ đạo Hindu thường mặc trong dịp lễ Diwali. Trang phục truyền thống này mang nhiều màu sắc và thể hiện được văn hóa vùng miền của Ấn Độ. Từ người già đến trẻ em đều mặc quần áo mới, đặc biệt, phụ nữ thường khoác lên mình những bộ sari đẹp nhất để đi lễ, thăm hỏi, gặp gỡ, chúc tụng nhau.
Để có được 5 ngày lễ thật chu đáo, hoàn hảo, công việc chuẩn bị đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước dịp lễ khoảng 4 - 5 tuần, các tín đồ đạo Hindu đã nhộn nhịp đi sắm sửa, dọn dẹp. Họ quét dọn, sơn sửa, trang hoàng nhà cửa, văn phòng thật sạch sẽ vì theo quan niệm dân gian, nữ thần thịnh vượng Lakshmi sẽ ghé thăm và mang may mắn đến cho những ngôi nhà sạch sẽ, tinh tươm.
Một số người cũng tin vào việc vứt bỏ những món đồ cũ và mua những món đồ mới trong dịp lễ Diwali để có thể đón nhận nhiều điều tươi mới; đồng thời trả mọi nợ nần để có một năm mới không còn vướng bận mà thật suôn sẻ, thuận lợi.
Ngoài ra, các tín đồ đạo Hindu còn dùng bột gạo, bột mì, cát màu, cánh hoa... để bài trí rangoli ở lối vào nhà, vừa để đón khách quý vừa để nghênh tiếp nữ thần Lakshmi. Đặc biệt, tất cả các đường vẽ rangoli đều phải khép kín để quỷ dữ không có lối chui vào trong nhà. Theo truyền thống, rangoli sẽ do phụ nữ thực hiện.
Điều không thể thiếu trong lễ hội Ánh sáng chính là những thứ tạo ra ánh sáng. Để sở hữu không gian lung linh, huyền ảo, mọi người tự thiết kế hoặc sắm sửa các loại đèn/nến để trang trí cho ngôi nhà của mình từ trong ra ngoài, từ bệ cửa, cầu thang đến cả những góc khuất nhất để bóng tối không còn nơi trú ẩn.
Đến Ấn Độ trong những ngày Diwali chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên với tất cả các du khách.
Mọi người được cùng nhau đắm mình trong không gian linh thiêng và tín ngưỡng, chứng kiến những màn pháo hoa vang rền rực sáng cả bầu trời.
Trong ánh sáng rực rỡ, lung linh huyền ảo, mọi người cùng nhau ca hát nhảy múa để xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và khoan dung hơn. Đây cũng là cơ hội để mọi người rũ bỏ hiềm khích, tha thứ cho nhau để cùng chung sống vui vẻ hạnh phúc.
Lễ hội Ánh sáng với ý nghĩa ban đầu là để ăn mừng chiến thắng của cái thiện, sự vươn lên vượt qua bóng tối và mông muội trong tri thức của con người, nhưng giờ đây là khoảng thời gian để mọi người cùng nhau cảm nhận không khí ấm áp, sum họp. Diwali mang đến cho chúng ta hy vọng về những khởi đầu mới, nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị gia đình, sự hòa hợp và thống nhất.
Lễ hội Ánh sáng với ý nghĩa ban đầu là để ăn mừng chiến thắng của cái thiện, sự vươn lên vượt qua bóng tối và mông muội trong tri thức của con người, nhưng giờ đây là khoảng thời gian để mọi người cùng nhau cảm nhận không khí ấm áp, sum họp. Diwali mang đến cho chúng ta hy vọng về những khởi đầu mới, nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị gia đình, sự hòa hợp và thống nhất.