Đầu năm mới 2011, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đón các thành viên không thường trực mới. Với Nam Phi, Ấn Độ, Côlômbia, Đức và Bồ Đào Nha, theo giới quan sát, bộ máy quyền lực tối cao thuộc tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đã có một cơ cấu mạnh nhất từ trước tới nay, gồm các cường quốc hàng đầu thế giới và các nền kinh tế mới nổi.
Điều này được kỳ vọng có thể thổi luồng sinh khí mới vào công cuộc cải cách HĐBA, theo hướng tăng số lượng thành viên thường trực, hiện mới chỉ dừng ở con số 5.
Nhìn vào cơ cấu thành viên không thường trực HĐBA hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự lên ngôi của các "đại gia" châu lục - đó là Ấn Độ, Nam Phi và Đức - những cường quốc ở châu Á, châu Phi và châu Âu, tiếp đến là Braxin và Nigiêria - hai "gã khổng lồ" ở Mỹ Latinh và châu Phi.
Đây cũng là những nước đang nuôi tham vọng tìm tiếng nói có trọng lượng hơn tại thể chế này - cụ thể là một ghế thường trực, có quyền phủ quyết các nghị quyết.
Lần đầu tiên, HĐBA cùng một lúc gồm cả 5 quốc gia này trong thành phần không thường trực, là những nước đi đầu trong nỗ lực cải tổ cơ quan của LHQ phụ trách các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế theo hướng bắt kịp và phản ánh đúng thế giới của thế kỷ 21, chứ không phải một thế giới của giai đoạn hậu Thế Chiến II đã lỗi thời (thời điểm LHQ ra đời).
Một phiên họp của HĐBALHQ. |
Đánh giá về cơ cấu này, giới phân tích cho rằng việc nhiều nước thành viên là những cường quốc đang lên tại các châu lục có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm nên một HĐBA thực sự mạnh trong hai năm tới.
Bỏ phiếu cho các nước này cũng đồng nghĩa với việc 192 quốc gia thành viên LHQ thể hiện nguyện vọng đẩy nhanh tiến trình cải tổ cơ quan quyền lực này.
Với các thành viên mới, hội đồng năm nay là "bản thu nhỏ" mô hình HĐBA sau cải tổ mà Anh đang theo đuổi, theo đó ủng hộ vị thế thành viên thường trực của các nước Ấn Độ, Braxin, Đức, Nhật Bản và các đại diện châu Phi. Rõ ràng, đây là cơ hội để các nước hợp lực để đẩy nhanh tiến trình thương lượng không mấy dễ dàng đã “giậm chân tại chỗ” trong nhiều thập kỷ qua.
Khi HĐBA tổ chức phiên họp đầu tiên ngày 17/1/1946 tại Luân Đôn (Anh), cơ quan này có 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết, cùng 6 thành viên không thường trực, được bầu luân phiên hai năm một lần phân chia theo địa lý.
Năm 1965, HĐBA được mở rộng thêm 4 ghế không thường trực, nâng tổng số thành viên lên 15 và cơ cấu này được duy trì tới ngày nay.
Thực tế nhu cầu cải tổ HĐBA đã được đặt ra từ nhiều năm nay kể từ khi LHQ ra đời hồi những năm 1940. Làm nền cho các nỗ lực cải cách HĐBA là một thế giới nhiều biến động, với "bão" tài chính vươn vòi "bạch tuộc" tới mọi châu lục, với các vấn đề an ninh đã trở thành nỗi ám ảnh như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên... với các ''điểm nóng'' như Ápganixtan, Trung Đông, châu Phi...
HĐBA LHQ gồm 10 nước thành viên không thường trực và 5 nước thường trực. Các nước thường trực có quyền phủ quyết mọi nghị quyết của cơ quan này. - 5 nước thường trực gồm: Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. - 10 nước không thường trực nhiệm kỳ 2 năm gồm: Ấn Độ, Nam Phi, Đức, Bồ Đào Nha, Côlômbia (nhiệm kỳ 2011-2012) và Bôxnia Hécxêgôvina, Braxin, Gabông, Libăng và Nigiêria (nhiệm kỳ 2010-2011). |
Trong bối cảnh đó, nhu cầu cải tổ HĐBA càng trở nên cấp bách hơn. Nhiều nước cho rằng cơ cấu phân chia các ghế thành viên thường trực trong thể chế này không còn phù hợp nữa, đặc biệt liên quan tới sự lớn mạnh của các nước đang phát triển. “Bão” tài chính vừa qua một mặt đã phơi bày những góc khuất của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, một mặt đã cho thấy sức mạnh nội tại của các nền kinh tế mới nổi, cụ thể là Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin.
Các nước này đã trở thành đầu tàu vượt khủng hoảng của thế giới và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong các vấn đề quốc tế. Vì thế, tiếng nói yếu ớt của các nước này tại HĐBA LHQ là một nghịch lý và gây mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức này. Các nước đang phát triển lập luận rằng, sự hiện diện lớn hơn của họ, đặc biệt là đại diện khu vực châu Phi, sẽ giúp cơ quan này làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, đó là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Ngoài ra, thế giới của thế kỷ 21 đã thay đổi rất nhiều so với thế giới sau khi Thế Chiến II kết thúc. Không chỉ đối mặt với các nguy cơ an ninh truyền thống, thế giới ngày nay còn phải giải quyết các thách thức phi truyền thống như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết của cộng đồng quốc tế.
Từ đó đặt ra yêu cầu cải tổ HĐBA theo hướng phản ánh đúng thế giới đương đại. Khái quát lại, HĐBA phải là ''mẫu số chung'' của các vấn đề có liên hệ mật thiết với nhau và cải tổ là cần thiết để có thể biến cơ cấu này thành một cơ quan có tính đại diện hơn, có trách nhiệm hơn và vận hành hiệu quả hơn.
Song, có một nhân tố quan trọng cản ''luồng gió đổi mới'' ở HĐBA chính là sự ganh đua giữa các khu vực, thể hiện qua các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhóm lợi ích khác nhau về mô hình HĐBA cải tổ.
Và trên hết, sự kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước thành viên. Vậy nên, với sự hiện diện của các thành viên không thường trực mới - những cường quốc khu vực - kèm với đòi hỏi cấp bách của thực tế, giới quan sát lạc quan rằng các nước có thể tìm được tiếng nói chung để xây dựng một cơ cấu HĐBA mới hiệu quả hơn, phù hợp thực tiễn hơn vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Phương Hồ