Chính phủ hy vọng rằng quyết định mới sẽ giảm bớt tắc đường và đem lại lợi ích về môi trường bởi hơn một nửa lượng khí thải nhà kính tại Luxembourg bắt nguồn từ các phương tiện đi lại. Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về chi phí.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Luxembourg là một trong những quốc gia có tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao nhất châu Âu. Với diện tích 2.586 km vuông, Luxembourg là một trong những quốc gia nhỏ bé nhất tại châu Âu.
Từ thủ đô Luxembourg City, chỉ mất nửa tiếng để đến Bỉ, Pháp và Đức. Giá nhà ở đắt đỏ, đặc biệt là tại Luxembourg City, khiến 180.000 lao động tại Luxembourg sống ở những quốc gia láng giềng và họ di chuyển qua lại giữa hai nước hàng ngày.
Bộ Phát triển bền vững và Cơ sở hạ tầng cho biết năm 2016, Luxembourg có 662 ô tô/1.000 người dân và đây là phương tiện di chuyển chính. Trong năm 2016, lái xe tại Luxembourg City thường lãng phí trung bình 33 tiếng vì tắc đường.
Hệ thống phương tiện công cộng trải dài khắp Luxembourg và mất khoảng 562 triệu USD để vận hành mỗi năm. Mỗi năm Luxembourg bán 46 triệu USD tiền vé phương tiện công cộng.
Giáo sư Geoffrey Caruso tại Đại học Luxembourg cho biết miễn phí phương tiện công cộng có thể vô tình thay đổi hành vi những người thường đi bộ hoặc đạp xe tại thành thị. Ông Caruso nhận định: “Thay vì đi bộ 500m, bạn có thể sẽ sử dụng xe buýt để đi quãng đường này bởi vì nó miễn phí”.
Luxembourg dự định đầu tư 3,9 tỷ euro vào đường sắt trong giai đoạn từ 2018-2028. Mặc dù nỗ lực thay đổi nhưng Chính phủ Luxembourg dự đoán 65% người tham gia giao thông tại nước này trong năm 2025 vẫn sẽ dùng ô tô.