Cụ thể, LVMH cho biết họ sẽ mua lại Belmond với giá 25 USD cho mỗi cổ phiếu loại A bằng tiền mặt. Con số trên chênh lệch 42% so với giá trị cổ phiếu của Belmond khi khép phiên giao dịch ngày 13/12 là 17,65 USD/cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.
Giá trị vốn chủ sở hữu của giao dịch là 2,6 tỷ USD, nhưng LVMH đã xác định giá trị doanh nghiệp (một chỉ số đo lường giá trị của doanh nghiệp, trong đó có vốn cổ phần, nợ vay...) cho Belmond ở mức 3,2 tỷ USD.
LVMH và Belmond bày tỏ hy vọng giao dịch này sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm tới do nó còn cần sự chấp thuận từ các cổ đông của Belmond cũng như được các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Giám đốc điều hành (CEO) của LVMH, ông Bernard Arnault, cho biết vụ mua lại này sẽ làm tăng đáng kể sự hiện diện của LVMH trên thị trường dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.
Tập đoàn hiện sở hữu và vận hành một chuỗi các khách sạn cao cấp tại 24 quốc gia, bên cạnh việc cung cấp những gói du lịch bằng đường sắt và đường sông. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua, Belmond đã thu được lợi nhuận hoạt động khoảng 140 triệu USD trên tổng doanh thu 572 triệu USD.
Vụ mua lại Belmond sẽ giúp “làm đẹp” hơn danh mục khách sạn thuộc sở hữu của LVMH, vốn đã bao gồm những cái tên nổi tiếng như chuỗi khách sạn Cheval Blanc ở Courchevel, Maldives, Saint-Barthélemy và Paris, cũng như chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Bulgari Hotel & Resorts.
Với việc mua lại Belmond, LVMH đang muốn tìm cách khai thác một xu hướng ngày càng gia tăng của tầng lớp thượng lưu là giảm bớt mua sắm và tăng trải nghiệm với thực phẩm và rượu vang cao cấp, cũng như du lịch nghỉ dưỡng tại các khách sạn và khu resort đắt tiền.