Đây là tuyên bố được ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII)- hãng sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nêu ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP ngày 3/1.
Điều này đồng nghĩa với việc các nước nghèo sẽ chờ đợi thêm nhiều tháng mới có thể tiếp cận những lô vaccine đầu tiên. SII cũng bị cấm bán vaccine trên thị trường tư nhân và tại thời điểm hiện nay “chỉ có thể cung ứng vaccine cho Ấn Độ”, ông Poonawalla chia sẻ.
Như vậy, vaccine của AstraZeneca, có ưu thế về giá rẻ và điều kiện bảo quản thuận lợi, sẽ chưa thể đến được COVAX - sáng kiến do vaccine toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vắc xin (Gavi), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) đồng tài trợ, với sự tham gia của hơn 170 quốc gia.
COVAX đề ra mục tiêu cung ứng ra thế giới khoảng 2 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021, bảo đảm khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương được tiêm phòng.
AstraZeneca đã ký hợp đồng với SII, chế tạo 1 tỉ liều vaccine dành riêng cho các nước đang phát triển, trong đó có Ấn Độ. Hôm 30/12 vừa qua, Anh là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng đối với vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ấn Độ hôm 3/1 cũng đã cấp phép cho loại vaccine này.
Ấn Độ hiện là tâm dịch lớn thứ hai thế giới với 10,3 triệu ca mắc COVID-19, chỉ sau Mỹ. Quốc gia này đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu dân đến tháng 8/2021, ưu tiên cho nhân viên y tế, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như cảnh sát, người già và những người có bệnh nền.
Dù SII không ký văn bản thỏa thuận với chính phủ Ấn Độ, nhưng ông Poonawalla cho biết Ấn Độ sẽ là nước “được ưu tiên”, và sẽ nhận được phần lớn trong tổng số 50 triệu liều vaccine có trong kho dự trữ của SII.