Lý do Ấn Độ và Trung Quốc cùng để mắt tới Maldives

Maldives vốn nổi danh là 'thiên đường biển xanh', nay lại trở thành địa danh quan trọng khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều bày tỏ quan tâm đặc biệt đến nơi này.

Maldives bao gồm 1.200 hòn đảo trải dài trên diện tích 90.000 km2, nằm trên tuyến đường vận tải biển chiến lược.

Trong cuộc bầu cử ngày 23/9, ứng cử viên giành chiến thắng là ông Ibrahim Mohamed Solih được cho là có khả năng cân bằng quan hệ giữa Maldives với Trung Quốc và Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Thủ đô Male của Maldives. Ảnh: AFP

Tại sao Trung Quốc và Ấn Độ cùng cạnh tranh vì Maldives

Maldives là quốc gia chỉ có dân số vào khoảng 400.000 người, từng nhiều năm chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu bước chân vào Maldives. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sang (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Bắc Kinh coi Maldives là đối tác then chốt trong ý tưởng “Vành đai, Con đường”.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc càng tiếp cận Maldives thì Ấn Độ lại hoài nghi rằng mục đích của Bắc Kinh là xây dựng mạng lưới liên kết về kinh tế và quân sự để đối trọng với New Delhi hay còn gọi là chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai”.

Trung Quốc chủ động tiếp cận Maldives

Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Maldives trong thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống Abdulla Yameen. Những dự án nổi bật là đầu tư nâng cấp sân bay Maldives, xây cầu dài 2km nối giữa sân bay với thủ đô Male.

Trung Quốc còn xây tổ hợp căn hộ và bệnh viện 25 tầng tại Maldives. Trong khi đó, 306.000 du khách Trung Quốc đã đến thăm Maldives trong năm 2017, chiếm tới 21% tổng số du khách đến quốc gia này.

Tháng 8/2017, khi 3 tàu hải quân Trung Quốc cập cảng tại Male, Ấn Độ lại càng thêm quan ngại về chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai” của Bắc Kinh.

Mối quan hệ của Maldives với Ấn Độ trong chính quyền cựu Tổng thống Yameen

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Maldives đã mờ nhạt trong thời gian ông Yameen nắm quyền lãnh đạo.

Tháng 3/2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hủy chuyến thăm cấp quốc gia tới Maldives vì phản đối cách đối xử của Male với cựu Tổng thống Mohamed Nasheed.

Về phần mình, Maldives thẳng thừng từ chối lời mời của Ấn Độ dự cuộc tập trận hải quân 8 ngày tổ chức năm 2018.

Đỉnh điểm của việc mối quan hệ lạnh lẽo hơn là chính phủ của Tổng thống Yameen từ chối gia hạn visa cho những công dân Ấn Độ làm việc hợp pháp tại Maldives mà không kèm theo bất cứ giải thích nào.

Chú thích ảnh
Cầu hữu nghị Trung Quốc-Maldives. Ảnh: Xinhua

Maldives và món nợ "khủng" từ Trung Quốc

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Maldives đã nợ Trung Quốc 1,3 tỷ USD – tương ứng với hơn 1/4 Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của quốc gia này.

Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed bày tỏ lo lắng rằng việc tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc có thể khiến Maldives rơi vào “bẫy nợ”. Ông Nasheed trong tháng 1 còn khẳng định rằng Trung Quốc chiếm 80% nợ nước ngoài của Maldives.

Chính phủ Trung Quốc trong khi đó khẳng định Bắc Kinh không yêu cầu thêm điều kiện chính trị nào đối với những hộ trợ tài chính cho Maldives và không hề gây nguy hiểm cho an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương.
 

Hà Linh/ Báo Tin tức
S-300 đáng sợ thế nào mà Israel ngăn cản Nga cấp cho Syria?
S-300 đáng sợ thế nào mà Israel ngăn cản Nga cấp cho Syria?

Trong vòng 18 tháng qua, không quân Israel đã “thoải mái” oanh tạc các mục tiêu tại Syria mà không chịu thiệt hại nào đáng kể. Nhưng từ nay máy bay Israel chắc chắn sẽ đối mặt rủi ro lớn khi phòng không Syria được trang bị “rồng lửa” S-300 Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN