Trang Quartz dẫn dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chưa đầy 15% số ca mắc COVID-19 tại châu Phi được báo cáo chính xác. Với số lượng xét nghiệm hạn chế, trên thực tế châu Phi có thể có gần 60 triệu người mắc COVID-19.
WHO ước tính kể từ giai đoạn đầu dịch bệnh đến nay, mới chỉ có 70 triệu xét nghiệm COVID-19 được thực hiện tại châu Phi, tương đương 6/100 người được xét nghiệm từ đầu dịch. Quốc gia thực hiện nhiều xét nghiệm nhất châu Phi là Gabon với 50 xét nghiệm/100 người và Nam Phi là 30 xét nghiệm/100 người. Trong khi đó, Áo ở châu Âu tiến hành 1.0 xét nghiệm/100 người và Anh là 412 xét nghiệm/100 người. Mỹ thực hiện 170 xét nghiệm/100 người.
Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong xét nghiệm và phát hiện các ca mắc COVID-19 tại châu Phi là do nguồn lực y tế hạn chế. Hầu hết các quốc gia châu Phi đều thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế cơ bản như bệnh viện hoặc phòng khám ở ngoại ô khiến việc xét nghiệm và chẩn đoán COVID-19 thêm nhiều khó khăn.
Tại Nam Phi, quốc gia được coi có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt nhất vùng hạ Sahara châu Phi, dường như số ca liên quan đến COVID-19 cũng không được ghi nhận chính xác. Theo số liệu chính thức, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Nam Phi có 90.000 trường hợp tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên các nhà khoa học tại Đại học Cape Town lại đánh giá có gần 240.000 trường hợp tử vong có thể liên quan đến virus SARS-CoV-2.
Dù vậy, trên thực tế tỷ lệ mắc COVID-19 tại châu Phi vẫn thấp hơn các châu lục khác. Một lý giải được đưa ra là châu Phi có dân số khá trẻ, nên về lý thuyết là sức khỏe tốt hơn. Độ tuổi trung bình tại các quốc gia châu Phi là 19,7 trong khi tại châu Âu là 43 và Mỹ là . Tuy nhiên, biến thể Delta đã “đổ bộ” châu Phi, gây lo ngại nhóm trẻ tuổi cũng chịu tác động tương tự.
Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 tại châu Phi khá thấp do vậy vẫn tồn tại nguy cơ dịch bùng phát mạnh. WHO mới đây đã đề xuất sang năm 2022 thực hiện xét nghiệm cho 7 triệu người tại 20 quốc gia châu Phi hiện tại không có năng lực xét nghiệm.
Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực xét nghiệm cũng không thể bù đắp được cho tình trạng thiếu vaccine phòng COVID-19. Đã có gần 7 tỷ liều vaccine COVID-19 được phân phối toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới được tiêm tổi thiếu một liều. Nhưng chênh lệch giữa nước giàu và quốc gia có thu nhập thấp vẫn khá lớn.
Tại châu Phi, mới chỉ có 5% dân số được tiêm tối thiểu một liều vaccine COVID-19. Tuy nhiên, có sự khác biệt ở các quốc gia, Nam Phi có gần 9% dân số tiêm đủ 2 liều vaccine trong khi tại Nigeria tỷ lệ này chỉ là chưa đầy 1%.