Bất đồng giữa Nga và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Nam Kuril hay lãnh thổ phương Bắc, mà Liên Xô chiếm đóng vào giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tranh chấp này đã ngăn cản hai bên ký kết một hiệp ước hòa bình. Giờ đây, người ta hy vọng rằng hiệp ước hòa bình có thể được thông qua nhờ “cách tiếp cận mới” của ông Abe. Tháng 5/2016, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã làm dấy lên tia hy vọng cho nhiều người khi nói với các phóng viên rằng: “Tôi có cảm giác Nhật Bản và Nga đang đi đúng hướng nhằm tạo một bước đột phá trong các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình vốn bị đình trệ từ rất lâu”.
Ông Abe (trái) và ông Putin tại Sochi, Nga ngày 6/5. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Abe có thái độ linh hoạt đối với các tranh chấp lãnh thổ hơn so với những người tiền nhiệm. Ông Abe thừa nhận rằng sẽ không thể giành lại tất cả 4 đảo tranh chấp với Nga và do đó sẵn sàng thỏa hiệp. Kế hoạch của ông Abe dường như để lấy lại 2 hòn đảo nhỏ là Shikotan và Habomai, đồng thời đồng ý tiếp tục đàm phán về tình trạng của các đảo lớn hơn như Iturup và Kunashir (phía Nhật Bản gọi là Etorofu và Kunashiri). Mặc dù ông Abe hiểu rằng các cuộc đàm phán sắp tới khó có thể lấy lại lãnh thổ, nhưng thỏa thuận này sẽ cho phép ông Abe duy trì mục tiêu không từ bỏ yêu sách đối với 4 hòn đảo này.
Người ta tin rằng đề nghị này thể hiện những nhượng bộ quan trọng từ phía Nhật Bản và thuyết phục Nga về sự cần thiết của sự hỗ trợ kinh tế từ Nhật Bản. Chính quyền Abe đã thuyết phục bản thân rằng thỏa thuận này là khả thi. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga chưa bao giờ có ý định chuyển hai hòn đảo nhỏ cho phía Nhật Bản sau khi hai bên ký một hiệp ước hòa bình giải quyết tranh chấp. Đây là lời đề nghị được thực hiện trong Tuyên bố chung Liên Xô - Nhật Bản năm 1956.
Trong năm nay, các nhà lãnh đạo Nga đã nói rõ ràng rằng nước này sẽ không nhượng bộ thêm nữa. Ví dụ, ngay trước khi gặp ông Abe tại Vladivostok (Nga) vào tháng 9 vừa qua, ông Putin đã công khai tuyên bố: “Chúng tôi không thương mại hóa lãnh thổ. Khi tiến hành đàm phán, nó sẽ được thực hiện như thế nào hay liệu rằng chúng tôi có đàm phán tất cả lãnh thổ tranh chấp hay không, tôi không thể nói ngay bây giờ”. Một dấu hiện nữa cho thấy một bước đột phá sẽ khó có thể xảy ra trong thời gian tới vì các phương tiện truyền thông Nga chưa làm công tác tư tưởng cho công chúng về những nhượng bộ lãnh thổ.
Cuối cùng, có những hoài nghi về ý nghĩa trong quan hệ giữa Nga và Nhật Bản. Rõ ràng, Điện Kremlin muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Nhật Bản và vui mừng về cơ hội có thể gây chia rẽ trong G-7. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga dường như không coi Nhật Bản là một quốc gia quan trọng đáng để có thể “hy sinh lãnh thổ” nhằm bảo đảm hợp tác chặt chẽ hơn. Ví dụ, trong Khái niệm Chính sách Đối ngoại mới của Nga, được phê chuẩn vào ngày 30/11/2016, Nhật Bản được xếp không chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn sau cả Mông Cổ.
Do đó, Hội nghị thượng đỉnh ở Yamaguchi có thể sẽ gây thất vọng. Điều này dường như được thể hiện qua những bình luận của ông Abe sau cuộc gặp với ông Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC trong tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin sẽ không hoàn toàn thất bại. Hai nước có thể sẽ ký một loạt văn kiện quan trọng về hợp tác kinh tế, và cũng có thể có một thông báo về quan hệ an ninh, chẳng hạn như tái khởi động cuộc đàm phán "2+2" của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước.
Ông Putin muốn tiếp tục hợp tác kinh tế song phương và có những phát biểu mơ hồ đem lại hy vọng cho Nhật Bản trong đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Sau những hy vọng về chuyến thăm của Putin, việc thiếu tiến bộ về vấn đề lãnh thổ sẽ là nguyên nhân khiến nhiều người ở Nhật Bản thất vọng.