Theo tờ Business Insider, mức giá dao động lớn của Bitcoin cũng như nguồn cung có hạn của đồng tiền này là hai lý do chính khiến nó không thể trở thành phương pháp thanh toán hiệu quả.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là một trong số những người chỉ trích đồng tiền này. Ngày 22/2, bà Yellen hoài nghi khả năng Bitcoin sẽ được dùng để giao dịch. Bà nói: “Tôi cho rằng Bitcoin sẽ không được sử dụng làm cơ chế giao dịch rộng rãi. Đó là cách thực hiện giao dịch cực kỳ không hiệu quả và lượng điện tiêu thụ trong các giao dịch này rất lớn”.
Bitcoin bắt đầu xuất hiện năm 2009, hấp dẫn vì tính bảo mật, ẩn danh và phi tập trung hóa. Với một số người, dùng Bitcoin để thanh toán sẽ còn rất lâu mới thành hiện thực, nhưng khả năng này vẫn tiềm tàng.
Ông Adam Liposky làm việc tại một hệ sinh thái dữ liệu chuỗi khối nhận xét: “Mặc dù Bitcoin có thể được dùng làm phương pháp thanh toán chính thống một ngày nào đó, nhưng hiện nay đồng tiền này chủ yếu là nơi lưu giữ giá trị và đầu tư chống lạm phát”.
Tuy nhiên, những người khác cho rằng Bitcoin không phải là tiền tệ và sẽ không bao giờ được dùng để thanh toán.
Ông William Quigley, Giám đốc điều hành công ty Magnetic, nói: “Ai cũng nghĩ để Bitcoin phát triển thì nó phải trở thành hình thức thanh toán rộng rãi. Điều này không đúng. Bitcoin sẽ không bao giờ là thứ thay thế tiền trên thị trường tiêu dùng nói chung. Đồng tiền này quá chậm, đắt và bất ổn… Chúng ta cần bỏ suy nghĩ rằng Bitcoin sẽ trở thành mạng lưới thanh toán tiêu dùng toàn cầu”.
Tương tự, ông Robert Minter, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại công ty Aberdeen Standard Investments, phân tích: “Nếu bạn mua một ô tô Tesla 50.000 USDS bằng 4 đồng Bitcoin vào ngày 1/10/2020. Chi phí cơ hội của việc mua ô tô sẽ là 212.000 USD vì giá trị tính theo USD của Bitcoin đã tăng từ 10.000 lên 53.000 USDS trong vòng 4 tháng rưỡi qua. Kiểu biến động này không hợp để giao dịch trong nền kinh tế”.
Các chuyên gia cho rằng Bitcoin sẽ chỉ phát triển để trở thành vàng kỹ thuật số, tức là giữ giá.