Nạn nhân chính của vụ việc
Tờ Guardian (Anh) đưa tin kể từ sáng 18/2, mọi tổ chức truyền thông Australia không thể đăng nội dung lên trang Facebook. Các cá nhân sống tại Australia cũng bất lực trong việc tiếp cận với các bài viết từ những trang tin địa phương và quốc tế trên Facebook.
Sáng 18/2, biện pháp cấm cản của Facebook cũng tác động tới các trang không liên quan đến tin tức, bao gồm trang của một số sở y tế, dịch vụ cứu hỏa, tổ chức từ thiện… Nhưng đến trưa 18/2, một số trang Facebook này đã được phục hồi.
Thủ tướng Australia Scott Morrison sau đó đã nêu quan điểm trên trang Facebook chính thức của ông: “Hành vi của Facebook đối với Australia hôm nay bao gồm cắt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và tình huống khẩn cấp là ngạo mạn”.
Facebook cho biết tin tức chỉ chiếm 4% nội dung người sử dụng mạng xã hội này xem tại Australia. Tuy nhiên, Đại học Canberra trong năm 2020 công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 21% người Australia sử dụng mạng xã hội làm nguồn khai thác thông tin cơ bản, tăng 3% so với năm trước đó và 39% dân số nước này dùng Facebook để tiếp cận tin tức.
Tổng biên tập tờ The Sydney Morning Herald – bà Lisa Davies - đăng trên mạng xã hội Twitter: “Hành động của Facebook tăng cơ hội cho tin giả, thuyết âm mưu nảy nở trên nền tảng mạng xã hội này”.
Nguồn cơn giận dữ
Động thái của Facebook liên quan đến diễn biến chính phủ Australia đề xuất dự luật yêu cầu mạng xã hội này và Google đạt thỏa thuận chi trả cho các hãng truyền thông.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá mặc dù Australia là một thị trường nhỏ nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đang theo dõi sát sao diễn biến liên quan đến dự luật mà Canberra định áp dụng với Facebook và Google. Các chuyên gia đánh giá đây là trường hợp thử nghiệm cho xu hướng mới trên toàn cầu, đẩy mạnh áp lực để các ông lớn internet chia sẻ lợi nhuận với nhà cung cấp nội dung.
Nhiều nhà sản xuất nội dung cho rằng những nền tảng như Facebook và Google đã “ôm” lượng lớn lợi nhuận từ khi truyền thông chuyển hướng sang trực tuyến. Trong khi đó, báo giấy, tạp chí, truyền hình và đài phát thanh tại nhiều nơi trên thế giới buộc phải đóng cửa do khó khăn.
Về phần mình, Facebook tuyên bố chặn nội dung tin tức tại Australia bởi dự luật không nói rõ ràng thế nào là nội dung tin tức.
Reuters cho rằng động thái của Facebook biểu hiện cho thấy mạng xã hội này không còn cùng chí hướng với công ty Alphabet vốn sở hữu Google. Trước đó, trong nhiều năm trời, Facebook và Google đồng hành trong chiến dịch phản đối dự luật này và cảnh báo xóa dịch vụ ở Australia. Tuy nhiên, Google đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với một số hãng truyền thông trong những ngày gần đây.