Kênh CNN (Mỹ) cho biết điều này bắt nguồn từ việc có hàng trăm nghìn người Philippines hiện làm việc tại Trung Đông và hàng năm họ vẫn gửi về quê nhà hàng tỷ USD kiều hối.
Mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đang ở giai đoạn “nóng” sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích vào sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) ngày 3/1 tiêu diệt chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani và Phó chỉ huy Lực lượng Huy động nhân dân (PMF) Abu Mahdi al-Muhandis.
Sau vụ việc này, Tổng thống Rodrigo Duterte ngay lập tức đề nghị quốc hội Philippines chuẩn bị sơ tán hàng nghìn công dân đang lao động tại Iraq và Iran. Viễn cảnh này càng rõ ràng khi vào sáng 8/1, Iran mở cuộc tấn công bằng hàng chục quả tên lửa vào các cơ sở quân sự Mỹ ở Iraq.
Tổng thống Duterte cho biết ông cũng đang cân nhắc tổ chức cuộc họp quốc hội để xử lý vấn đề giúp đỡ công dân Philippines đang sinh sống và làm việc tại Trung Đông trong trường hợp xảy ra xung đột.
Kênh CNN dẫn thống kê của chính phủ Philippines vào tháng 4/2019 cho biết tính trong khoảng thời gian từ tháng 4-8/2018, có khoảng 2,3 triệu người Philippines (khoảng 2% dân số) đang làm việc ở nước ngoài. Cũng trong khoảng thời gian này, những lao động Philippines ở nước ngoài đã gửi về nhà khoảng 4,64 tỷ USD.
Hơn nửa số lao động Philippines làm việc ở nước ngoài hiện sinh sống tại các quốc gia Vùng Vịnh, trong đó Saudi Arabia chiếm tới gần 25%.
Quân đội Philippines từng đăng trên mạng xã hội Twitter rằng có 1.600 người Philippines làm việc tại Iran và 6.000 người khác làm việc ở Iraq. Rất nhiều người lao động Philippines làm việc ở các cơ sở khai thác dầu mỏ, ngành dịch vụ. Nếu họ buộc phải sơ tán và mất việc làm thì nền kinh tế Philippines sẽ chịu ảnh hưởng không hề nhỏ.
Tổng thống Duterte đã giao nhiệm vụ cho quân đội chuẩn bị kế hoạch để sơ tán người lao động ở nước ngoài “nếu xung đột bùng phát tại Trung Đông gây nguy hiểm đến tính mạng của họ”.