Các vườn thú tại Mỹ dự kiến không có gấu trúc, lần đầu tiên kể từ năm 1972, sau khi thỏa thuận giữa các vườn thú Mỹ với Trung Quốc hết hạn vào cuối năm sau. Vườn thú Quốc gia ở Washington, D.C. thông báo các chú gấu trúc Tian Tian, Mei Xiang và Xiao Qi Ji sẽ quay về Trung Quốc vào tháng 12.
Vậy lý do nào khiến những con gấu trúc mũm mĩm dễ thương bản địa ở Trung Quốc lại xuất hiện tại Mỹ, Anh…?
Ngoại giao gấu trúc
Gấu trúc là động vật quý hiếm và là biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Gấu trúc sống chủ yếu ở các khu rừng ôn đới vùng núi phía Tây Nam nước này.
Chế độ ăn hàng ngày của gấu trúc hầu như xoay quanh lá, thân và măng của nhiều loài tre khác nhau. Tre chứa rất ít giá trị dinh dưỡng nên gấu trúc phải ăn 12-kg mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, hệ thống tiêu hóa của chúng giống động vật ăn thịt, vì vậy 1% còn lại trong khẩu phần ăn của chúng có thể bao gồm trứng, động vật nhỏ.
Trung Quốc có khoảng 1.800 con gấu trúc sống trong tự nhiên nhưng nước này cũng có ít nhất 65 con nữa cho hơn 20 quốc gia trên thế giới mượn. Lần đầu tiên Trung Quốc tặng gấu trúc làm quà ngoại giao là vào thời nhà Đường (618–907). Truyền thống này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và thường được gọi là ngoại giao gấu trúc.
Mỹ nhận những con gấu trúc đầu tiên vào năm 1972, sau khi đệ nhất phu nhân Pat Nixon chia sẻ trong một sự kiện cấp nhà nước ở Trung Quốc về tình yêu của bà dành cho động vật.
Đến năm 1984, chính sách ngoại giao gấu trúc đã thay đổi. Những con gấu không còn được tặng làm quà nữa mà thay vào đó được cho mượn trong 10 năm, có thể được gia hạn. Việc chuyển sang cho mượn gấu trúc tạo điều kiện để Trung Quốc tiếp tục quảng bá hình ảnh của mình ở nước ngoài và xây dựng “guanxi”, một thuật ngữ tiếng Quan Thoại để chỉ niềm tin.
Cho mượn gấu trúc còn có thể giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chung giữa Trung Quốc và các nước mượn. Đổi lại, các nước sở tại sẽ phải trả một khoản phí hàng năm khoảng 1 triệu USD cho mỗi con gấu trúc. Những gấu trúc con sinh ở nước ngoài sẽ phải được trả về Trung Quốc trước sinh nhật lần thứ tư của chúng.
Các chuyên gia tại Đại học Oxford (Anh) đã thực hiện một nghiên cứu về ngoại giao gấu trúc, và nhận thấy Trung Quốc cho các quốc gia có thỏa thuận thương mại với nước này thuê gấu.
Một ví dụ là gấu trúc được gửi đến Scotland vào năm 2011 sau khi hai nước ký thỏa thuận dầu mỏ. Danh sách các nước nhận gấu trúc rất phong phú, có thể kể đến Đan Mạch, Đức, Nga và Qatar.
Lý do gấu trúc quay trở về Trung Quốc
Trong trường hợp của Mỹ, hợp đồng cho mượn sẽ kết thúc vào tháng 12 và ba con gấu trúc sẽ được trả về Trung Quốc. Thỏa thuận đã được gia hạn ba lần. Sở thú Atlanta vẫn còn 4 con gấu trúc, nhưng chúng cũng sẽ được gửi trở lại Trung Quốc vào năm tới nếu thỏa thuận không được gia hạn.
Điều này đồng nghĩa với việc đây sẽ là lần đầu tiên sau 50 năm Mỹ không có gấu trúc. Những chú gấu trúc tại Scotland và Australia cũng sẽ về nước trước cuối năm nay.
Trong trường hợp của Mỹ, các nhà phân tích suy đoán rằng việc đưa gấu trúc hồi hương có thể không chỉ vì lý do kết thúc hợp đồng cho mượn. Nhà phân tích tại công ty Asia Group (Mỹ) Kurt Tong nhận định với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Không có gì đáng ngạc nhiên khi hợp đồng gấu trúc với các vườn thú Mỹ hết hạn bởi xu hướng hiện tại của mối quan hệ Mỹ-Trung”.