Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết quan chức ngoại giao từ những quốc gia hàng xóm của Afghanistan đã trao đổi với quan chức Mỹ tại Kabul và khẳng định họ đã đánh giá lại chính sách và chuẩn bị tăng cường an ninh biên giới.
Nhà ngoại giao giấu tên từ một quốc gia châu Á tại Kabul nói: “Ở thời điểm này chưa có xác nhận về việc rút quân nhưng chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng hành động. Tình hình có thể chuyển biến từ xấu sang tồi tệ rất nhanh chóng”.
CNN ngày 20/12/2018 đưa tin quân đội Mỹ đã nhận lệnh khởi động kế hoạch rút một nửa số binh sĩ tại Afghanistan trở về nước. Đại diện đặc biệt của Mỹ về tiến trình hòa giải ở Afghanistan Zalmay Khalilzad trong tháng 12/2018 đã gặp gỡ thành viên Taliban để bàn luận về viễn cảnh Mỹ rút quân kèm theo đề xuất ngừng bắn.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa ra mệnh lệnh cho Lầu Năm Góc rút quân khỏi Afghanistan. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump cũng không phủ nhận thông tin về ý định rút một nửa trong số 14.000 binh sĩ đang đồn đóng tại Afghanistan về nước.
Các nhà phân tích đề cập đến thực tế rằng Iran, Pakistan và Nga từ lâu nghi ngờ Mỹ muốn duy trì căn cứ quân sự dài hạn tại Nam Á do vậy không hề mong đợi thông tin Washington rút quân đột xuất. Ông Graeme Smith tại Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế nhận định: “Tất cả các phía đều nhận ra rằng việc rút quân đột ngột có thể châm ngòi cho cuộc nội chiến mới gây bất ổn khu vực. Các quốc gia láng giềng của Afghanistan không mong đợi điều bất ngờ và tín hiệu mập mờ từ Washington còn gây ra lo lắng”.
Afghanistan vốn có chung biên giới với Pakistan, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan và Trung Quốc.
Pakistan đã rậm rịch tạo hàng rào dọc biên giới dài 1.400 km với Afghanistan đồng thời cử 50.000 binh sĩ đến khu vực này, chuẩn bị sẵn sàng cho dòng người tị nạn ập đến trong trường hợp xảy ra bất ổn tại quốc gia láng giềng.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính rằng hiện có khoảng 1,4 triệu công dân Afghanistan không giấy tờ tùy thân đang sinh sống tại Pakistan và 1,2 triệu người khác tại Iran.
Một quan chức Iran nhấn mạnh: “Chúng tôi đang hợp tác với Chính phủ Afghanistan để ngăn công dân của họ kéo đến Iran. Chúng tôi không muốn dùng vũ lực để ngăn người tị nạn nhưng việc Mỹ đột ngột rút quân có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng”.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn, Afghanistan hiện là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về số công dân rời bỏ quê hương đi tị nạn.
Khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành, Taliban đã cố gắng trấn an người dân Afghanistan không nên sợ hãi sau khi quân đội Mỹ rút quân.