Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), cô Surbhi Kumar, một nhân viên ngân hàng tại Delhi, chưa từng muốn kết hôn hay sinh con. Nhưng sau khi chứng kiến 2 người thân qua đời trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ hồi tháng 4, người phụ nữ 37 tuổi này trở nên lo lắng khi về già không có người thân bên cạnh. Cô đã quyết định đi đông lạnh trứng của mình.
“Tôi muốn cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc khi có con vào một ngày nào đó. Tôi không biết khi nào sẽ sử dụng số trứng đã đông lạnh này, nhưng tôi cần một kế hoạch dự phòng”, Kumar chia sẻ.
Không chỉ Kumar, ngày càng có nhiều phụ nữ độc thân ở thành thị, chủ yếu trong độ tuổi 32-, quyết định đông lạnh trứng để có cơ hội sinh con sau này. Cũng như nhiều phụ nữ ở các quốc gia khác, phụ nữ Ấn Độ đông lạnh trứng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó nhiều người chưa tìm được bạn đời phù hợp hoặc ưu tiên cho công việc hơn là việc lập gia đình. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng làm giảm cơ hội hẹn hò, trì hoãn việc kết hôn và làm mẹ của nhiều người.
Mặc dù Ấn Độ không có dữ liệu quốc gia về đông lạnh trứng, nhưng các chuyên gia công nghệ hỗ trợ sinh sản cho biết số phụ nữ độc thân đông lạnh trứng đã tăng 25% trong năm vừa qua.
Việc đông lạnh trứng cũng được ghi nhận gia tăng trong đại dịch ở Mỹ, Anh và Australia vì nhiều lý do tương tự như ở Ấn Độ. Nhưng đối với nhiều phụ nữ ở quốc gia Nam Á này, đông lạnh trứng cũng là một hình thức phản đối với áp lực kết hôn và sinh con của gia đình và xã hội ở một đất nước mà những người phụ nữ chưa kết hôn nhưng có con là một điều cấm kỵ.
“Mặc dù phụ nữ thành công trong nghề nghiệp, nhưng hầu hết các gia đình Ấn Độ vẫn muốn con gái của họ kết hôn và sinh con", chuyên gia sinh sản Anoop Gupta tại Delhi nói.
Tuy nhiên, nhiều gia đình hiện nay đã chấp nhận việc con cái của họ kết hôn muộn. Khi con gái của họ đi đông lạnh trứng, họ yên tâm rằng con họ sẽ tìm kiếm bạn đời và lập gia đình trong tương lai. Một khi phụ nữ đông lạnh trứng, họ không phải lo lắng về tuổi tác, họ có thể sinh con bất cứ lúc nào, ngay cả sau khi mãn kinh.
Ông Gupta, Giám đốc một trung tâm thụ tinh nhân tạo (IVF) tại Delhi, cho biết đại dịch đã làm thay đổi quan điểm của phụ nữ độc thân về khả năng sinh sản.
"Trong thời kỳ tiền COVID-19, thường chỉ có 2 phụ nữ đến đông lạnh trứng trong một tháng. Nhưng hiện tại, chúng tôi tiếp nhận khoảng sáu ca đến đông lạnh trứng trong cùng khoảng thời gian”, ông Gupta nói và mô tả đây là phương pháp bảo vệ lượng trứng dự trữ một cách chủ động. Ông cho biết trứng có thể được lưu trữ trong nhiều năm và sau đó có thể mang đi thụ tinh vào bất kỳ thời điểm nào.
Hrishikesh Pai, Giám đốc y tế của Bloom IVF Group, có 9 trung tâm thụ tinh nhân tạo (IVF) trên khắp Ấn Độ, nói rằng số lượng phụ nữ chọn đông lạnh trứng của họ đã tăng so với thời điểm trước đại dịch. Pai cho biết ông đang cài đặt một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích hình ảnh, một thuật toán giúp dự đoán số lượng trứng có cơ hội phát triển thành phôi thai.
“Chúng tôi không muốn những người phụ nữ phải trải qua quá nhiều lần can thiệp. Vì vậy, chúng tôi muốn AI dự đoán số lượng trứng có thể được sử dụng. Trung bình, 10 đến 12 quả trứng đông lạnh có thể được sử dụng sau 10 đến 15 năm”, ông nói.
Ở Ấn Độ, tổng chi phí của phương pháp đông lạnh trứng – bao gồm các lần siêu âm, xét nghiệm máu, kích thích buồng trứng, lấy trứng và đông lạnh chúng trong khoảng 15 năm – có chi phí khoảng 2.0 đến 4.030 USD. Đông lạnh trứng chỉ được cung cấp tại các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân.
Do việc đông lạnh trứng không nằm trong bất kỳ quy định pháp luật nào của Ấn Độ, nên các phòng khám sinh sản đều yêu cầu bệnh nhân đông lạnh trong một số năm nhất định. Họ có quyền vứt bỏ trứng nếu bệnh nhân không quay trở lại hoặc không yêu cầu gia hạn thời gian đông lạnh lâu hơn.
Vào tháng 3, cô Juhi Singh, 35 tuổi, chủ sở hữu của một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mumbai, đã đi đông lạnh trứng. Cô cho biết: “Năm năm sau, tôi không muốn mình phải hối hận vì đã không đông lạnh trứng khi còn trẻ để có thể sinh con”. Cô chưa quyết định khi nào sử dụng chúng và tin rằng sử dụng chúng thế nào là “quyền” và “sự lựa chọn” của mình.
Chuyên gia Malpani cho biết trong số các bệnh nhân đông lạnh trứng, có nhiều người đến trung tâm của ông và sử dụng tinh trùng của người hiến tặng để có con, vì họ không tìm được bạn đời phù hợp.
“Không phải tất cả phụ nữ Ấn Độ đều chờ bạn đời phù hợp để có con”, Malpani nói..