Romania và Bulgaria có hy vọng mong manh đối với việc gia nhập khối Schengen trước cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Brussels.
Theo trang tin Euronews.com ngày 5/12, triển vọng Romania và Bulgaria gia nhập khối Schengen dường như đang mờ nhạt trước cuộc bỏ phiếu quan trọng ở Brussels, nơi số phận của họ phụ thuộc vào sự nhất trí của các thành viên khác.
Ít nhất hai quốc gia thành viên - Áo và Hà Lan - đã bày tỏ sự phản đối với việc gia nhập của Bulgaria và Romania.
Cả hai ứng cử viên Romania và Bulgaria đã chờ đợi gia nhập khối Schengen kể từ năm 2011 khi Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên "bật đèn xanh" để họ trở thành thành viên.
Khối Schengen cho phép du lịch xuyên biên giới mà không cần mang theo hộ chiếu hoặc kiểm soát biên giới. Nó hiện bao gồm 26 quốc gia, trong đó có 22 quốc gia EU, và với gần 420 triệu công dân.
Các bộ trưởng nội vụ EU sẽ tranh luận và bỏ phiếu về ba hồ sơ gia nhập của Romania, Bulgaria và Croatia vào ngày 8/12 tới, trong một cuộc họp cấp cao do CH Séc, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, chủ trì.
“Bulgaria, Romania và Croatia đã được đánh giá kỹ lưỡng và kết quả là họ đáp ứng tất cả các yêu cầu để trở thành một phần của khối Schengen”, Ylva Johansson, Ủy viên phụ trách nội vụ của EU cho biết vào sáng 5/12, khi được hỏi về cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Quan điểm của bà Johansson lặp lại một đánh giá được ban hành vào tháng trước, cho thấy ba ứng cử viên đã chứng minh "mạnh mẽ" rằng họ đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết, bao gồm quản lý biên giới bên ngoài và hợp tác hiệu quả giữa các lực lượng cảnh sát, biên phòng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đồng quan quan điểm với EC. Thủ tướng Karl Nehammer và Bộ trưởng Nội vụ Gerhard Karner của Áo gần đây đã đặt câu hỏi về khả năng của khối Schengen trong việc đối phó với làn sóng tị nạn mới. Nước này dự kiến sẽ nhận hơn 95.000 đơn xin tị nạn trong năm nay.
“Hệ thống tị nạn châu Âu đã thất bại. Chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn từ việc di cư bất thường, mặc dù chúng tôi là một quốc gia EU không giáp biển và không phải là một quốc gia có biên giới bên ngoài”, ông Nehammer cho biết.
Theo ông Nehammer, khoảng 40% người di cư đến Áo sau khi đi qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgaria và Romania - tiếp đó đi qua Hungary, một quốc gia thuộc khối Schengen.
"Việc mở rộng Schengen sẽ không diễn ra trong điều kiện như thế này. Chúng tôi sẽ hỗ trợ Croatia vào khối Schengen. Các quốc gia được bầu chọn theo từng nước riêng rẽ", Thủ tướng Áo nêu rõ.
Tổng thống Romania Klaus Iohannis, đã phản ứng với những tuyên bố trên, cho rằng không có "dòng người di cư không được kiểm soát".
Trong khi đó, một bức tranh tương tự xuất hiện ở Hà Lan. Sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng vào ngày 2/12, Chính phủ Hà Lan đã quyết định ủng hộ việc gia nhập khối Schengen của Romania – nhưng không phải của Bulgaria.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này vẫn lo ngại về tình hình pháp quyền và cuộc chiến chống tham nhũng của Bulgaria, do đó việc gia nhập khối Schengen của nước này có thể diễn ra "vào khoảng năm sau".
Ông Rutte sau đó đã đặt câu hỏi về khả năng của Bulgaria trong việc kiểm soát biên giới bên ngoài của họ và ngụ ý rằng những người di cư có thể vượt qua biên giới của nước này bất hợp pháp nếu họ trả 50 euro để "giao dịch". “Tôi không nói điều đó sẽ xảy ra, nhưng tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng điều đó sẽ không xảy ra”, ông Rutte nói.
Nhận xét này đã khiến Tổng thống Bulgaria Rumen Radev nổi giận và chỉ trích ông Rutte: "Gần đây, ba cảnh sát Bulgaria đã thiệt mạng khi bảo vệ biên giới bên ngoài (châu Âu). Thay vì nhận được sự thống nhất của châu Âu, Bulgaria lại nhận được sự hoài nghi!"
EC cho biết họ không có thông tin về bất kỳ khoản phí qua biên giới 50 euro nào, nhấn mạnh rằng cả Bulgaria và Romania đã thể hiện rõ ràng khả năng tuần tra biên giới bên ngoài của họ.
Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas cho biết: “Thật hoang đường và thật không công bằng khi đưa ra lập luận rằng việc mở rộng khối Schengen là để kiểm soát kém hơn. Đó phải là về kiểm soát tốt hơn".
Sự phản đối từ Áo và Hà Lan trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ Thụy Điển tìm cách thu thập đủ số phiếu trong Quốc hội để ủng hộ nỗ lực gia nhập của Romania và Bulgaria. Thụy Điển được coi là một trong số ít quốc gia vẫn phản đối việc mở rộng khối Schengen. Nhưng nếu xuất hiện một phiếu "không" duy nhất có thể làm thất bại việc gia nhập của Bulgaria và Romania.