Ngay sau đó, liên minh OPEC+ (gồm tất cả các nước thành viên OPEC và các đối tác, đặc biệt là Nga) đã công bố mức tăng sản lượng dầu thô lên 648.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8, thay vì 432.000 thùng/ngày như đã thỏa thuận trước đó. Trên thực tế, số lượng dầu tăng này cũng bao gồm cả số dầu xuất khẩu của Nga bị Mỹ cấm và sẽ bị EU cấm nên gia tăng sản lượng lần này là vô nghĩa.
Cuối tuần vừa rồi, Saudi Arabia đã tăng giá loại dầu thô Arab Light được bán sang châu Á. Do đó, không còn hy vọng Saudi Arabia có thể sẽ cố gắng giảm bớt các vấn đề kinh tế của nhiều quốc gia do giá dầu cao. Có thể thấy tác động ròng của việc tăng sản lượng của OPEC+ sẽ bằng 0. Đây là điều mà Saudi Arabia, Nga và tất cả các thành viên OPEC khác đều biết rõ.
Vậy tại sao Saudi Arabia vốn là một đồng minh thân cận bấy lâu nay của Mỹ lại kiên quyết không từ bỏ liên minh về dầu mỏ với Nga – đối thủ của Mỹ, kể cả sau khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine?
Cốt lõi của câu trả lời nằm ở hậu quả của Cuộc chiến giá dầu 2014-2016 do Saudi Arabia phát động với mục đích cụ thể là phá hủy, hoặc ít nhất là vô hiệu hóa ngành dầu đá phiến của Mỹ trong thời gian càng lâu càng tốt. Vào năm 2014, Saudi Arabia đã xác định lĩnh vực dầu đá phiến Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với tài chính và quyền lực chính trị của mình.
Ngoài ra, Saudi Arabia cho rằng Mỹ có ý định ngừng, hoặc ít nhất là giảm hỗ trợ mình trong khu vực. Những lo ngại này dấy lên ở Saudi Arabia vào thời điểm đang diễn ra các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc và Iran - đối thủ tiềm tàng của Saudi Arabia. Kết thúc các cuộc đàm phán này là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), giúp Iran có ảnh hưởng chính trị toàn cầu.
Khi các công ty dầu đá phiến của Mỹ vẫn có thể tồn tại dù giá dầu bị đẩy xuống cực thấp do OPEC sản xuất quá nhiều, Cuộc chiến giá dầu 2014-2016 đã tàn phá nền kinh tế Saudi Arabia và các quốc gia trong OPEC. Một kết quả tiêu cực khác đối với Saudi Arabia là nước này đã mất uy tín với tư cách là nhà lãnh đạo OPEC và OPEC đã mất ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Điều này có nghĩa là các tuyên bố của OPEC về mức cung và cầu dầu trong tương lai đã không còn tác động nhiều tới thị trường và các thỏa thuận sản xuất chung của họ bị giảm hiệu quả.
Trong lúc đó, nhiều lý do tích cực khi Saudi Arabia và Mỹ ký thỏa thuận cốt lõi năm 1945 đã biến mất. Mỹ không còn tin tưởng rằng Saudi Arabia sẽ không làm tổn hại lĩnh vực dầu đá phiến của mình. Mỹ cũng không tin tưởng Saudi Arabia sẽ cố gắng giữ giá dầu trong phạm vi 35-75 USD/thùng – mức giá lý tưởng cho Mỹ. 35 USD/thùng là con số mà nhiều nhà sản xuất đá phiến của Mỹ ít nhất có thể hòa vốn, nếu không kiếm được chút lợi nhuận. Còn mức 75 USD/thùng là giới hạn mà nếu vượt qua thì sẽ xảy ra các mối đe dọa kinh tế và chính trị tiêu cực cực kỳ nghiêm trọng.
Vì những lý do này, quan điểm của Mỹ đã thay đổi thành quan điểm mà Saudi Arabia lo sợ từ lâu. Điều này có nghĩa là Mỹ dự định ngừng, hoặc ít nhất là giảm mạnh hỗ trợ trên thực địa cho Saudi Arabia trong khu vực một khi Mỹ có thể tăng sản lượng dầu của chính mình để không cần đến dầu của Saudi Arabia nữa, và một khí Mỹ thành lập các liên minh có khả năng chống lại Iran ở Trung Đông.
Đối với Saudi Arabia ngay sau cuộc Chiến tranh giá dầu 2014-2016, dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đứng nhìn khi Mỹ tăng nguồn cung dầu đá phiến và khí đá phiến, thành lập các liên minh mới ở Trung Đông, trong khi đồng thời giảm dần ủng hộ Saudi Arabia.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Saudi Arabia vào cuối cuộc Chiến tranh giá dầu 2014-2016, đã nhận được lời đề nghị giúp đỡ của Nga. Điện Kremlin vào thời điểm đó hoàn toàn nhận thức được những khả năng kinh tế và địa chính trị to lớn mà mình có thể hưởng khi trở thành một bên tham gia cốt lõi vào mối quan hệ cung-cầu-định giá dầu thô, vì vậy đã đồng ý hỗ trợ thỏa thuận cắt giảm sản lượng tiếp theo của OPEC, hình thành OPEC+.
OPEC+ là mối quan tâm sâu sắc của Mỹ và khiến Mỹ giảm niềm tin vào Saudi Arabia. Tình hình nghiêm trọng hơn khi Saudi Arabia phát động một cuộc chiến giá dầu khác vào năm 2020 với mục đích tương tự như năm 2014-2016 là nhằm làm tổn thương các ngành dầu đá phiến và khí đá phiến của Mỹ mà Mỹ coi là một hành động thù địch. Sau đó, Saudi Arabia không sẵn sàng hoặc không có khả năng làm bất cứ điều gì có ý nghĩa để hạ giá dầu vẫn ở mức cao.
Về phần mình, Saudi Arabia đã không còn coi Mỹ là một người bạn thực sự trên trường thế giới vào năm 2016. Thái tử Mohammed bin Salman thậm chí còn từ chối nhận điện đàm từ Tổng thống Joe Biden bàn về chủ đề giá dầu tăng cao.
Điều duy nhất khiến Saudi Arabia chưa tiến xa hơn tới quan hệ đồng minh chính trị với Nga mà chỉ dừng ở việc hợp tác trong OPEC+ đó là họ chưa cảm thấy Trung Quốc-Nga hỗ trợ đủ để có thể hứng chịu cơn phẫn nộ của Mỹ.
Việc Washington hồi sinh dự luật “Không sản xuất hoặc xuất khẩu dầu mỏ” (NOPEC) là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy Mỹ cuối cùng đã hết kiên nhẫn với Saudi Arabia.
Tuy nhiên, rất nhiều thỏa thuận của Saudi Arabia với Nga kể từ năm 2016 và với cả Trung Quốc, cộng với việc tái khởi động Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh dường như chứng tỏ Saudi Arabia sẽ tránh xa Mỹ và hướng tới Trung Quốc-Nga trong tương lai.