Lý do sự thay đổi trong chiến lược đối phó với Chính phủ Mỹ của Huawei

Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đang trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới khi mở màn cuộc chiến pháp lý đối đầu với Chính phủ Mỹ.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Huawei Quách Bình phát biểu tại cuộc họp báo ở Thâm Quyến , tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh truyền hình CNN, trong một vài tuần trở lại, Huawei đã thực hiện một số bước đi kỳ lạ dường như mở đường sẵn sàng cho một cuộc chiến đầy rủi ro.

Người sáng lập Huawei ông Nhậm Chính Phi đích thân trả lời một số bài phỏng vẩn độc quyền hiếm hoi, trong khi ban lãnh đạo Huawei cũng ra mặt lên tiếng bảo vệ danh tiếng công ty tại Triển lãm Di động Toàn cầu 2019 vừa qua.

Thậm chí công ty này còn triển khai chiến dịch quảng bá, đăng quảng cáo in tràn trang trên tạp chí Mỹ Wall Street Journal. Tại New Zealand – nơi chính phủ ngăn cấm các công ty viễn thông hàng đầu trong nước sử dụng thiết bị 5G của Huawei, công ty cũng cho chạy một quảng cáo với thông điệp mạnh mẽ, so sánh 5G không có Huawei như “cuộc sống không có bóng bầu dục”.

Tuy nhiên, dấu hiệu thay đổi chiến lược mạnh mẽ nhất của tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc này là động thái hôm 7/3, Huawei đã mời phóng viên tới trụ ở ở Thâm Quyến, ban lãnh đạo cấp cao ra mặt, thông báo khởi kiện Chính phủ Mỹ vì lệnh cấm cơ quan liên bang mua sản phẩm công ty.

“Quốc hội Mỹ nhiều lần thất bại trong việc đưa ra các bằng chứng cho luận điểm lệnh cấm sản phẩm Huawei”, Phó Chủ tịch Huawei Quách Bình tuyên bố.

Quyết định khởi kiện cho thấy mức độ sẵn sàng của tập đoàn này trong cuộc chiến chống nỗ lực của Mỹ thuyết phục các quốc gia khác ngưng sử dụng thiết bị công ty, với lý do nó là mối đe dọa an ninh quốc gia.

“Huawei không có bất lợi khi thách thức Mỹ. Họ không có nhiều thứ để mất ở Mỹ… Tuy nhiên, họ có nhiều thứ để mất ở châu Âu và các thị trường phát triển khác”, Duncan Clark - chuyên gia về lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc nói, giải thích.

Tại thị trường ngoài Mỹ, Huawei thiết lập "trung tâm minh bạch" cho phép khách hàng chạy các bài kiểm tra bảo mật trên các sản phẩm. Một trung tâm mới vừa được mở tại Brussels tuần trước.

Huawei của ngày xưa

Rất khó để tưởng tượng Huawei ngày xưa lại có những hành động quyết liệt như này. William Plummer, người từng dành 8 năm nghiên cứu quan hệ truyền thông và chính quyền cho Huawei, viết trong cuốn sách xuất bản năm ngoái rằng Huawei “hiếm khi trò chuyện với truyền thông và tương tác không nhiều với chính phủ".

Chiến lược này vẫn tiếp tục thậm chí ngay sau khi các nhà lập pháp Mỹ năm 2012 cảnh báo các sản phẩm Huawei “có thể làm suy yếu lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”. Công ty phủ nhận mọi cáo buộc, song ban lãnh đạo không ra mặt tuyên chiến công khai. Tác giả Plummer cho rằng chính những lần không đối mặt với thách thức, Huawei phần nào khiến những sự e ngại, không chắc chắn và nghi ngờ kia “trở thành sự thật”.

Điều gì đã thay đổi?

Trong nhiều năm qua, Washington luôn nghi ngờ Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị Huawei trong việc do thám quốc gia khác, song không hề đưa ra bằng chứng cụ thể. Phản ứng trước mọi lời cáo buộc, Huawei liên tục bác bỏ.

Tuy nhiên, sức ép lên tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới tăng đáng kể trong một vài tháng trở lại đây. Công tố viên Mỹ đã nộp đơn kiện Huawei tại bang Washington và New York với cáo buộc rằng họ cố gắng đánh cắp bí mật thương mại từ T-Mobile và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của Washington và đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Đức và Anh đang cân nhắc lệnh cấm được áp đặt như thế nào đối với sản phẩm Huawei, trong khi Australia đã ban hành lệnh cấm hẳn.

Sức ép từ chiến dịch tẩy chay của Mỹ kết hợp với các vụ kiện pháp lý đã kéo theo phản ứng bất ngờ từ Huawei. Người sáng lập Nhậm Chính Phi lần đầu sau 3 năm trò chuyện với truyền thông nước ngoài khẳng định không chưa bao giờ được chính quyền Bắc Kinh yêu cầu chia sẻ thông tin. Phó Chủ tịch Quách thì cáo buộc quan chức Mỹ “tấn công máy chủ công ty và đánh cắp thư điện tử, mã nguồn”.

Tác giả Plummer cho rằng Huawei "cuối cùng đã tự đứng lên chống lại những cáo buộc”, trong khi giới phân tích đánh giá vụ kiện của Huawei được đưa ra để giành lại niềm tin từ châu Âu và các thị trường khác.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Kiện Chính phủ Mỹ, tập đoàn Huawei có đi lại 'vết xe đổ' của Kaspersky
Kiện Chính phủ Mỹ, tập đoàn Huawei có đi lại 'vết xe đổ' của Kaspersky

Nhà sản xuất phần mềm bảo mật Kaspersky của Nga đã thua nhanh khi kiện Chính phủ Mỹ hồi năm ngoái và giờ đây vụ kiện tương tự của Huawei liệu có chung kết cục?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN