Gần đây, thành cổ Spandau - pháo đài thời Phục hưng nay trở thành không gian trưng bày triển lãm - tại thủ đô Đức đã bổ sung hai tác phẩm điêu khắc thời Đức Quốc xã vào bộ sưu tập cố định. Đó là hai bức tượng "Ngựa sải bước" (tiếng Đức gọi là "Schreitende Pferde") do nghệ sĩ Josef Thorak điêu khắc dành cho văn phòng Thủ tướng của Adolf Hitler ở Berlin.
Cả hai tác phẩm điêu khắc đều cần được tu bổ. Một trong số chúng đã được đặt trong triển lãm, nơi du khách có thể nhìn ngắm bức tượng và tận mắt chứng kiến quá trình trùng tu. Hai bức tượng "Ngựa sải bước" đã đứng trong khu vườn thuộc trụ sở chính phủ của Hitler từ năm 1939 đến năm 1943. Chúng là một phần trong hàng nghìn tác phẩm bằng đồng được chế tác cho Đức Quốc xã nhằm biến đổi Berlin theo kỳ vọng của chúng.
Tác giả của "Ngựa sải bước" - ông Josef Thorak sinh ra ở Vienna (Áo) vào ngày 7/2/1889 và theo học tại Học viện Nghệ thuật Vienna. Đến năm 1915, ông chuyển sang Học viện Nghệ thuật Berlin. Sau khi học xong, ông trở thành nhà điêu khắc chuyên về các tác phẩm đồ sộ. Phong cách của Josef Thorak khiến ông được chính phủ phát xít giao nhiều công việc.
Ông được thế giới biết đến phối hợp cùng với những người khác tạo Đài tưởng niệm An ninh ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ năm 1934. Từ năm 1937 trở đi, Thorak trở thành một trong những nhà điêu khắc ưa thích của Đức quốc xã, được giao nhiệm vụ tạo ra vô số tác phẩm điêu khắc tuyên truyền.
Josef Thorak ly dị người vợ Do Thái rồi đến làm việc tại Học viện Mỹ thuật Munich. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông tiếp tục sáng tác nghệ thuật cho đến khi qua đời năm 1952.
"Ngựa sải bước" được phát hiện lại vào năm 2015 sau một loạt cuộc đột kích nhằm vào đường dây ngầm buôn bán tác phẩm nghệ thuật ở Đức. Cảnh sát đã tịch thu được hai bức tượng "Ngựa sải bước" cũng như các tác phẩm điêu khắc của Fritz Klimsch và Arno Brekker, hai nghệ sĩ yêu thích khác của Hitler.
Nhà sử học nghệ thuật Christian Fuhrmeister giải thích với DW rằng các tác phẩm này có lẽ được dự định bán trên thị trường chợ đen bởi vì nghệ thuật của Đức Quốc xã vẫn là điều cấm kỵ trên thị trường chính thức.
Theo trang web chính thức của thành cổ Spandau, mục đích trưng bày các tác phẩm điêu khắc là để làm sáng tỏ cách "các chính quyền tương ứng muốn định hình cảnh quan thành phố Berlin". Bộ sưu tập có các tác phẩm được tạo ra từ năm 1849 đến năm 1986 dưới thời Đế quốc Đức, Cộng hòa Weimar, Đức Quốc xã và Đông Đức.
Trước đây, việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Đức Quốc xã đã dẫn tới làn sóng phản đối dữ dội. Năm 2022, bảo tàng nghệ thuật Pinakothek ở Munich đã bị chỉ trích vì trưng bày bức tranh của Adolf Ziegler, một nghệ sĩ Đức Quốc xã khác. Georg Baselitz, một trong những nghệ sĩ còn sống có ảnh hưởng nhất thế giới, đã kêu gọi xóa bỏ nó.
Trên thực tế, rất nhiều tác phẩm điêu khắc tuyên truyền của Đức Quốc xã vẫn còn ở các không gian công cộng, chẳng hạn như tại sân vận động Olympic của Berlin. Các tác phẩm điêu khắc ở đây do chế độ Đức Quốc xã đặt hàng dành cho Olympic 1936.
Trước thềm World Cup 2006, nơi sân vận động Olympic là một trong những địa điểm tổ chức, một số nhà hoạt động đã kêu gọi dỡ bỏ các bức tượng. Tuy nhiên, thành phố đã từ chối với lý do việc dỡ bỏ các bức tượng sẽ là sự phủ nhận lịch sử của nước Đức.