Ngày 6/2 (giờ Việt Nam), trong Thông điệp Liên bang 2019, Tổng thống Trump thông báo cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào hai ngày 27-28/2. Cuối tuần trước, trong dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng công bố địa điểm diễn ra cuộc gặp là thủ đô Hà Nội.
Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng cũng như truyền thông nhà nước Triều Tiên chưa có bất gì tuyên bố nào liên quan đến hội nghị, cũng như không hề đề cập đến chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun vào tuần trước để thảo luận các chi tiết trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nhận xét từ các chuyên gia cho biết việc truyền thông nhà nước Triều Tiên không đưa tin về các sự kiện ngoại giao như này là điều bình thường. Trước Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên tổ chức vào tháng 6 năm ngoái, truyền thông Triều Tiên chỉ duy nhất một lần đề cập đến sự kiện này trong bài viết chỉ trích nước Mỹ, chứ không hề làm một bản tin tách riêng.
Một số chuyên gia nhìn nhận sự im lặng từ chính quyền Bình Nhưỡng mang tín hiệu lạc quan rằng quốc gia Đông Á này đang tập trung cho các cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị.
“Triều Tiên đã thể hiện rõ quan điểm về tiến trình phi hạt nhân hóa nhiều lần, bao gồm cả bài phát biểu mừng Năm Mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Dường như không cần phải thêm vào bất kỳ thứ gì thông qua tuyên bố truyền thông. Nếu như các cuộc đàm phán diễn ra không suôn sẻ hay yêu cầu của họ có thể không được chấp thuận, họ đã nói điều gì đó qua báo chí. Ít nhất cho đến giờ, mọi thứ đều mang tín hiệu rằng quan điểm của họ và mọi chuyện đều đi theo chiều hướng tích cực”, Lim Eul-chul – Giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Đại học Kyungnam – lý giải.
So sánh với Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018, vài tuần trước khi diễn ra sự kiện, truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng nhiều bài viết chỉ trích những yêu cầu đơn phương về phi hạt nhân hóa của Mỹ, đe dọa sẵn sàng hủy cuộc gặp thượng đỉnh.
Trong khi đó, theo một nhà nghiên cứu cấp cao khác – ông Hong Min làm việc cho Viện Thống nhất Quốc gia liên Triều, việc Triều Tiên không công bố về hội nghị thượng đỉnh lần hai với Mỹ là do các cuộc đàm phán vẫn đang trong giai đoạn đầu và “chưa có gì nhiều để thông báo”.
“Triều Tiên không đề cập đến hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong một bài báo riêng biệt về sự kiện. Thay vào đó, báo chí nước này lại lồng ghép vào trong bài viết ghi lại sự kiện đặc biệt, cụ thể là Ngoại trưởng Mike Pompeo tới thăm Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Biegun có lẽ không có cấp vị cao như Ngoại trưởng Pompeo, cũng như không gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chính vì vậy truyền thông nhà nước không đưa tin. Triều Tiên có thể đang tìm một cơ hội và thời điểm thích hợp hơn để thông báo về cuộc gặp”, ông Hong giải thích.
Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 có thể sẽ tập trung vào những bước đi phi hạt nhân hóa cụ thể mà Triều Tiên có thể thực hiện, cũng như các chính sách tương ứng mà Mỹ có thể đưa ra. Dỡ bỏ trừng phạt được coi là một nhượng bộ quan trọng từ phía Washington. Trở về từ chuyến đi Bình Nhưỡng, phái viên Biegun cho biết ông đã có cuộc đàm phán “hiệu quả” với những người đồng cấp triều Tiên, nhưng vẫn còn “một vài việc khó khăn” phải làm.