Quân đội Ấn Độ ngày 16/6 tuyên bố 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong đụng độ với binh sĩ Trung Quốc ở khu vực biên giới. Đây là những thương vong đầu tiên được ghi nhận trong 53 năm qua sau đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ.
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau từng xâm phạm lãnh thổ. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc thời gian qua xuất phát từ việc mở thêm đường và cầu tại Ladakh. Ấn Độ đã hoàn thành 74 con đường chiến lược dọc biên giới phía Đông và lên kế hoạch hoàn thiện thêm 20 con đường khác vào năm 2021.
Nhiều nhà quan sát cho rằng khi xung đột leo thang ở biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc muốn bắn tín hiệu tới các quốc gia khác rằng nước này có sức mạnh nổi trội trong khu vực, ở thời điểm Mỹ đang gặp vấn đề liên quan tới COVID-19 và biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc.
Tuy nhiên, có nhiều dẫn chứng cho thấy Trung Quốc thực chất đang đáp trả lại những bước đi của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ và ủng hộ Ấn Độ trong năm 2019.
Tháng 8/2019, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir, vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Ấn Độ còn chia tách và chuyển khu vực miền núi Ladakh thuộc Jammu và Kashmir thành lãnh thổ trực thuộc liên bang độc lập. Trong khi đó, Ladakh là vùng tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Vào đầu tháng 6, học giả Wang Shida viết trên trang China Economic Net của nhà nước Trung Quốc nhận định quyết định của Ấn Độ với Ladakh “đẩy Trung Quốc vào tranh chấp Kashmir” và “gây khó cho việc giải quyết vấn đề biên giới giữa Bắc Kinh và New Delhi”.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong khi đó lại ủng hộ Ấn Độ, cho rằng quyết định xóa quy chế tự trị của Kashmir giúp tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Tờ The National Interest (Mỹ) cho biết cả New Delhi và Washington đều không coi nhau là đồng minh. Do vậy, sẽ sai lầm nếu Ấn Độ dựa vào ủng hộ của Mỹ. Tình trạng ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc là xúc tác để New Delhi và Washington đánh giá lại tác động trong chính sách ở Nam Á. Đánh giá này phải bắt đầu từ Kashmir.
Hai bên trên thực tế cũng đã có động thái đối thoại nhằm giải tỏa và hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ ngày 17/6 đưa tin cuộc đàm phán giữa các chỉ huy quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc chưa có bước đột phá.
Kênh thông tin NDTV của Ấn Độ dẫn nguồn tin quân đội nước này cho biết: "Cuộc đàm phán chưa mang lại kết quả cuối cùng do vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi hay rút quân lập tức tại thực địa". Nguồn tin cho hay các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tiếp tục trong những ngày tới.
Trước đó, hãng tin AFP của Pháp đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cùng ngày cũng có cuộc điện đàm về tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước ở Himalaya, trong đó nhất trí "hạ nhiệt" căng thẳng càng sớm càng tốt.
Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) ngày 17/6 kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ hết sức kiềm chế sau các cuộc đụng độ xảy ra ở biên giới hai nước mới đây. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, người phát ngôn LHQ Farhan Haq nhấn mạnh LHQ rất quan ngại sau khi nghe báo cáo về các cuộc đụng độ và thương vong đã xảy ra ở khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đang liên lạc với các bên liên quan để đề nghị tất cả kiềm chế.