Theo trang web của Hội đồng Đại Tây Dương (atlanticcouncil.org) mới đây, Ukraine đã thực hiện một trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tầm xa nhất trong cuộc chiến cho đến nay vào ngày 2/4, tấn công một nhà máy lọc dầu ở vùng Tatarstan của Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 1.300 km.
Đây là vụ tấn công mới nhất trong chiến dịch sử dung UAV đang mở rộng, gây thiệt hại đáng kể cho ngành dầu khí của Nga, nhưng điều đó cũng bộc lộ sự chia rẽ giữa các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Những dấu hiệu đầu tiên của sự chia rẽ đối với cuộc không kích của Ukraine xuất hiện vào cuối tháng 3, khi tờ Financial Times đưa tin các quan chức Mỹ đã kêu gọi Ukraine dừng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các nhà máy lọc dầu của Nga trong bối cảnh lo ngại về giá dầu toàn cầu và khả năng trả đũa.
Vài ngày sau, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận phản ứng của Mỹ trước các cuộc không kích bằng UAV của Ukraine là "không tích cực", nhưng nhấn mạnh Ukraine sẽ không chấp nhận những hạn chế trong việc sử dụng vũ khí sản xuất trong nước. “Chúng tôi đã sử dụng máy bay không người lái của mình. Không ai có thể nói với chúng tôi rằng Ukraine không thể làm điều đó”, Tổng thống Zelensky tuyên bố.
Cho đến nay, các đồng minh chủ chốt khác của Ukraine vẫn chưa lên tiếng bày tỏ lo ngại tương tự về các cuộc tấn công bằng UAV vào bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, sự chia rẽ rõ ràng đã được thể hiện trong chuyến thăm Pháp mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Trong khi ông Blinken nhắc lại rằng Mỹ “không ủng hộ cũng như không cho phép Ukraine tấn công bên ngoài lãnh thổ của mình”, thì Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné lại đưa ra một lập trường khác: “Ukraine đang hành động để tự vệ. Trong hoàn cảnh như vậy, hầu như không còn gì để nói".
Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã tấn công hơn chục nhà máy lọc dầu của Nga kể từ đầu tháng 1/2024, bao gồm một số cơ sở lọc dầu máy lớn nhất ở nước này. Nhiều cuộc tấn công đã diễn ra cách xa biên giới Ukraine, làm nổi bật khả năng hoạt động tầm xa ngày càng tăng của UAV từ Ukraine.
Do Ukraine bị hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nên việc sản xuất máy bay không người lái tầm xa đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Kiev. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đầu tư và số lượng tăng đột biến. Sản xuất máy bay không người lái với số lượng lớn rẻ hơn đáng kể so với tên lửa tầm xa và yêu cầu ít cơ sở hạ tầng hơn.
Các đối tác của Ukraine cũng ủng hộ việc Kiev tập trung vào chiến tranh máy bay không người lái. Vào tháng 1/2024, Anh cam kết chi ít nhất 250 triệu USD để nhanh chóng mua sắm, sản xuất và giao 1.000 máy bay không người lái tấn công một chiều cho Ukraine.
Mặc dù các chi tiết chính xác liên quan đến kho dự trữ máy bay không người lái của Ukraine vẫn chưa được tiết lộ, nhưng tuyên bố của các quan chức cấp cao Ukraine và các cuộc tấn công đang diễn ra cho thấy chiến dịch tấn công bằng UAV bên trong lãnh thổ Nga có thể sẽ tiếp tục được tăng cường.
Ukraine đã bảo vệ các cuộc tấn công của mình vào các nhà máy lọc dầu của Nga bằng cách lưu ý rằng doanh thu từ dầu mỏ là trung tâm của nền kinh tế Nga, khiến các cơ sở dầu mỏ trở thành "mục tiêu hợp pháp". Các nhà hoạch định quân sự Ukraine dự kiến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mở rộng của họ sẽ gây ra những hậu quả về quân sự, kinh tế và chính trị cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong lĩnh vực quân sự, các cuộc tấn công kéo dài 3 tháng qua đã xác nhận rằng các cơ sở dầu mỏ của Nga không được bảo vệ đầy đủ. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tiếp theo của Ukraine có thể buộc Nga phải triển khai lại các hệ thống phòng không hiện có để bảo vệ các nhà máy lọc dầu. Điều này có khả năng tạo cơ hội cho Ukraine tấn công các mục tiêu có giá trị cao khác bên trong lãnh thổ Nga.
Các chỉ huy quân sự Ukraine hy vọng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể làm suy yếu năng lực chiến đấu của Nga. Quân đội Nga phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm dầu mỏ đã tinh chế như xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay phản lực.
Việc giảm công suất lọc dầu của Nga có thể tác động đến nguồn cung cấp nhiên liệu quân sự về lâu dài, tạo ra những thách thức về hậu cần cho quân đội Nga và cản trở việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn mới trong năm 2024.
Chiến lược của Ukraine cũng mang tính kinh tế và nhằm mục đích giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Anh, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã làm gián đoạn ít nhất 10% công suất lọc dầu của Nga. Quá trình sửa chữa thiệt hại do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái còn phức tạp hơn do các nhà máy lọc dầu của Nga phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ phương Tây.
Với các lệnh trừng phạt hạn chế khả năng tiếp cận của Nga với các bộ phận và thiết bị quan trọng, việc nối lại hoạt động tại các nhà máy lọc dầu bị tấn công có thể sẽ là một quá trình tốn kém và mất thời gian.