Trung Quốc:

Ly hôn giả để… mua nhà rẻ

Một nhân viên của “công ty” chuyên làm giấy ly hôn giả tại Bắc Kinh chào mời dẻo quẹo: “Một giấy ly hôn giả chỉ tốn có 150 nhân dân tệ (NDT). Xông xênh thì mua 2 cái, mỗi người một cái”. Đó là nạn hàng giả mới nhất ở Trung Quốc với các cuộc chia tay giả tạo nhằm tiết kiệm tiền khi mua thêm căn nhà thứ hai hoặc thứ ba.

Với giá bất động sản vẫn đang tăng chóng mặt tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, chính phủ Trung Quốc từ tháng 4 đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nguy cơ “bong bóng” như tăng phần tiền mặt trả trước khi mua các căn nhà thứ hai hoặc thứ ba, tăng lãi suất thế chấp. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng đang khai thác triệt để lỗ hổng trong những quy định tưởng chừng chặt chẽ này.

Theo quy định, hai người độc thân có thể mua hai bất động sản với giá “mềm” hơn, nhưng một cặp vợ chồng thì phải chịu chi phí đắt hơn nhiều. Trước đây, phần tiền mặt trả trước khi mua bất động sản thứ hai và thứ ba là 40% nhưng quy định mới đã nâng mức này lên 50%. Các ngân hàng cũng nhận được chỉ thị tăng lãi suất thế chấp. Điều này có thể khiến tổng giá của một bất động sản bị đội lên từ vài chục cho đến vài trăm nghìn NDT.

Nhưng, chỉ cần có tờ giấy ly hôn giả, hai vợ chồng đã "hô biến" thành hai hộ gia đình riêng rẽ. Và điều này đồng nghĩa nếu họ mua căn nhà thứ hai chẳng hạn, họ sẽ tiết kiệm được kha khá. Cái giá của ly hôn “giả” hóa ra lại là khoản lời đáng kể.

Lý Quốc Lượng, một ông chồng, trình bày cụ thể hơn về kế hoạch ly hôn này: “Ngôi nhà thứ hai mà chúng tôi định mua có giá 720.000 NDT. Sau khi ly hôn, vợ tôi sẽ đòi được hưởng ngôi nhà hiện nay và vì thế, tôi không còn nhà nữa. Tôi có thể đăng ký mua ngôi nhà dự kiến trên như là bất động sản thứ nhất. Làm thế này, khoản tiền mặt trả trước giảm được từ 140.000 NDT xuống 100.000 NDT, còn tính cả chặng đường trả góp thì chúng tôi sẽ tiết kiệm được 100.000 NDT từ lãi suất thế chấp”.

Sau khi ly hôn và mua được nhà thì sao? Lý Quốc Lượng phá lên cười: “Thì chúng tôi cưới lại”. Anh cho biết đây là “sáng kiến” học hỏi được từ một công ty môi giới bất động sản.

Liệu giả có hóa thật?

Ly hôn, vốn bị coi là một cấm kỵ ở Trung Quốc, đang tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu chính thức, nửa đầu năm nay đã có 848.000 cặp nộp đơn “đường ai nấy đi”, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số này, bao nhiêu trường hợp là vờ vịt để mua thêm nhà? Khó mà biết được. Và dù người ta cho rằng số này mới chỉ là rất nhỏ, nó vẫn gióng lên một hồi chuông cảnh báo. Tờ “Tin tức Tài chính Thượng Hải” đưa ra nhận xét sau khi thăm dò ý kiến độc giả rằng có tới 40% người tỏ ý sẵn sàng “nghiên cứu kỹ” chuyện ly hôn giả nếu mánh khóe này giúp tiết kiệm được nhiều khi mua bất động sản thứ hai.

Theo Cao Kiện Hải, Trưởng Văn phòng đầu tư và Nghiên cứu thị trường của Viện Kinh tế Công nghiệp thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, hiện tượng này thể hiện sự hoài nghi của dư luận với các biện pháp kiềm chế cơn sốt bất động sản: “Lý do các cặp vợ chồng chọn cách ly hôn giả để mua nhà là vì họ không hy vọng giá sẽ giảm trong ngắn hạn. Họ không tin các biện pháp của chính phủ sẽ phát huy hiệu quả”.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, giá bất động sản tại 70 thành phố lớn nước này đã tăng 9,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Dù đây là mức tăng tháng chậm nhất trong năm nay, nó vẫn tăng 0,5% so với tháng 8 trước đó, một dấu hiệu rằng cơn sốt chưa hề hạ nhiệt.

Tuy nhiên, Cao Kiện Hải cũng cảnh báo các cặp vợ chồng cần thận trọng kẻo ly hôn giả hóa… thật: “Nếu một bên thực lòng đã muốn ngãng ra, đây chính là cánh cửa lý tưởng cho họ. Không phải cặp ly hôn giả nào cũng nhanh chóng tái hôn sau khi xong mục đích mua nhà. Tôi cho rằng chính phủ sẽ sớm tìm cách ngăn chặn hiện tượng này bởi nó có thể đe dọa ổn định xã hội”.

Nếu không muốn đặt cược cuộc hôn nhân của mình như vậy, giải pháp giấy tờ li dị giả là một lựa chọn khác. Nhân viên “công ty” chuyên bán loại giấy này ở Bắc Kinh tiết lộ: “Khách hàng đang đông dần. Gần đây, mỗi ngày chúng tôi có hàng chục khách, độ tuổi phong phú từ 30 đến 70 tuổi. Họ làm gì, tại sao muốn giấy ly hôn giả? Chúng tôi chẳng quan tâm”.

Trung Sơn(P/v TTXVN tại Hồng Công)

1
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN