“Ma trận” dây cáp điện
Theo CNA, với tốc độ gia tăng dân số và nắm bắt công nghệ kỹ thuật số ngày càng nhanh chóng, chiều dài này sẽ tăng lên đáng kể mỗi năm, gây ra nhiều thách thức cho việc lắp đặt hệ thống dây điện vốn đã vô cùng rắc rối ở Jakarta. Thật không may, thách thức này dường như bị đánh giá thấp và không được để tâm ở quốc gia này.
Dọc những con phố trên khắp các thành phố ở Indonesia, những mớ dây điện lộn xộn, lủng lẳng trên đầu người dân là cảnh tượng rất phố biến. Thậm chí, có những búi dây nặng đến nỗi khiến các cột điện nghiêng ngả.
Tại Indonesia, cáp điện thường được đặt cùng cáp viễn thông, cáp đa phương tiện và cáp dữ liệu – đây là hệ quả của việc lập kế hoạch lắp đặt cáp điện yếu kém.
Năm 2021, giới chức Indonesia đã ban hành các quy định nhằm gỡ rối một phần vấn đề này. Quy định yêu cầu triển khai đa dạng mạng lưới mới, không gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện hoặc kết cấu của các cột điện. Đồng thời, việc lắp đặt lưới điện cần xem xét tính thẩm mỹ đô thị, cũng như các lợi ích của cộng đồng.
Ngoài những lời phàn nàn về ô nhiễm, người dân ở Jakarta cho biết “ma trận” dây điện rối rắm khiến họ khó có thể tận hưởng bầu trời trong xanh. Mối nguy hiểm này đang ngày càng gây bức bối cho người đi bộ và cư dân gần đó, chẳng hạn như khả năng xảy ra chập điện và nguy cơ hỏa hoạn. Một số sự cố mất điện cũng đã xảy ra khi các loài động vật hoang dã, như chim và khỉ, gây hư hỏng dây cáp.
Song những lời phàn nàn của người dân suốt nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết. Nhiều người cho biết hệ thống dây cáp lộn xộn không chỉ làm giảm nguồn cung điện, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và năng suất quốc gia.
Tránh lặp lại “vết xe đổ” ở thủ đô mới
Để giải quyết những khó khăn đô thị của Jakarta, Chính phủ Indonesia đã cam kết xây dựng thủ đô mới Nusantara ở Đông Kalimantan.
Theo đó, Nusantara sẽ được xây dựng theo mô hình “thành phố thông minh”, có các đường hầm đa tiện ích để lắp đặt một loạt dịch vụ công cộng - bao gồm đường điện, cáp quang viễn thông và đường ống nước, lấy kinh nghiệm từ việc lắp đặt dây cáp ở các nước phát triển, đặc biệt là ở Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.
Mục tiêu của thủ đô Nusantara là không còn mạng lưới dây cáp trên mặt đất. Điều này sẽ giảm thiểu nhu cầu gây gián đoạn hệ thống công cộng.
Thay vào đó, các kỹ thuật viên có thể dễ dàng bảo trì bên trong các đường hầm đa tiện ích khi cần sửa chữa hoặc thay thế dây cáp. Một phòng điều khiển duy nhất với giám sát kỹ thuật cũng sẽ giúp dễ dàng theo dõi các vị trí rò rỉ hoặc hư hỏng của hệ thống dây cáp điện.
Mô hình này đã được áp dụng từ năm 1850 cho các tiện ích cáp và đường ống ở thủ đô Paris, Pháp. Quận Chiyoda của Tokyo cũng có hệ thống đường hầm đa tiện ích từ năm 1926. Hệ thống này đã tồn tại sau những trận động đất nghiêm trọng tấn công phía trên thành phố.
Giải pháp cho chính quyền địa phương
Nusantara sẽ trở thành thành phố với những con đường không có dây cáp rối rắm, lủng lẳng trên đầu. Thủ đô mới của Indonesia cũng sẽ ít bị xáo trộn hơn bởi các công việc đào bới để chôn lấp dây cáp hay bị chập điện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kế hoạch lắp đặt dây cáp ngầm nên được giới chức địa phương trên khắp Indonesia coi là một giải pháp kiểu mẫu cho hệ thống dây cáp điện đầy hỗn loạn ở nước này. Giới chức cũng nên thúc đẩy các quy định xung quanh việc sử dụng cột điện.
Ngoài ra, việc lên kế hoạch cũng rất quan trọng. Chính phủ phải hợp tác với các bên liên quan, giới chức địa phương để hỗ trợ tất cả các khu vực, giúp Indonesia trở thành một quốc gia thông minh, hiện đại, an toàn và đáng sống.