Du thuyền Zaandam thuộc sở hữu của công ty Holland America Line, chở 1.800 hành khách khởi hành từ Buenos Aires (Argentina) ngày 7/3 và dự kiến đến San Antonio, gần thủ đô Santiago của Chile, hai tuần sau đó. Tuy nhiên, du thuyền này "mắc kẹt" ở Thái Bình Dương, tại vùng biển của Panama từ ngày 14/3 sau khi 42 hành khách thông báo có các triệu chứng cúm và một số cảng ở Nam Mỹ đã từ chối cho du thuyền này cập bến. Đến nay, 4 hành khách trong số trên đã tử vong.
Công ty Holland America Line đưa ra thông báo trên với hành khách sau khi Thị trưởng thành phố Fort Lauderdale, thuộc bang Florida của Mỹ - một chặng dừng đỗ theo hành trình dự kiến của du thuyền Zaandam - cho biết thành phố này "không thể liều lĩnh" tiếp nhận các hành khách trên du thuyền này.
Thị trưởng Dean Trantalis nêu rõ "chưa có đảm bảo nào được đưa ra về việc hành khách trên tàu này sẽ được đưa đến cơ sở điều trị nào hay được cách ly sau khi rời tàu", do đó nhà chức trách Fort Lauderdale "không thể làm tăng thêm nguy cơ đối với cộng đồng trong bối cảnh thành phố này cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế khi hàng nghìn người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2".
Chủ tịch công ty trên, ông Orlando Ashford bày tỏ xin lỗi hành khách trên tàu và cho biết tình hình hiện nay "rất khó khăn và chưa từng thấy".
Trước đó, ngày 28/3, Panama đã thay đổi quyết định cấm du thuyền Zaandam đi qua kênh đào, theo đó cho biết sẽ cho phép du thuyền này di chuyển từ Thái Bình Dương qua kênh đào Panama sang Vịnh Caribea vì lý do nhân đạo.
Cùng ngày, những hành khách không có dấu hiệu nhiễm virus đã được chuyển sang tàu Rotterdam, cũng thuộc công ty trên, ở ngoài khơi Panama. Tàu Rotterdam khởi hành từ San Diego, thuộc bang California của Mỹ, chở lương thực, nhân viên y tế, và các bộ xét nghiệm đến tiếp tế cho du thuyền Zaandam. Hai tàu này dự kiến sẽ được phép đi qua kênh đào Panama vào tối 29 hoặc 30/3 theo giờ địa phương.