Cát là nguyên vật liệu được sử dụng nhiều nhất trên hành tinh nhưng cũng là thứ bị giám sát lỏng lẻo nhất. Các nhà hoạch định chính sách chỉ có thể ước tính về số lượng cát sử dụng mỗi năm. Báo cáo từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2019 về cát phải dựa trên dữ liệu xi măng để đưa ra con số khoảng 50 tỷ tấn.
Khi giá cát tăng cao, cảnh sát từ Nam Phi đến Mexico cũng ghi nhận thêm nhiều trường hợp tử vong do liên quan đến khai thác cát.
Tình trạng bạo lực tồi tệ nhất là tại Ấn Độ, được coi là “đại bản doanh” của những mafia cát khét tiếng nhất. Chúng thậm chí thiêu sống phóng viên, đâm chết các nhà hoạt động và dùng xe tải đâm cảnh sát.
Dựa trên báo cáo năm 2019 của tổ chức môi trường có trụ sở tại New Delhi mang tên Mạng lưới Đập, Sông và Con người Nam Á, có tới 193 trường hợp thiệt mạng liên quan tới khai thác cát trái phép tại Ấn Độ trong 2 năm qua. Nguyên nhân chính dẫn đến những trường hợp tử vong này là tình trạng làm việc nghèo nàn, bạo lực và tai nạn.
Nhiều người làm công việc khai thác cát phải lặn xuống đáy sông hàng trăm lần mỗi ngày không được trang bị đồ bảo hộ. Ngoài ra, có rất nhiều lao động trẻ em làm việc trong ngành khai thác cát trái phép này từ Ấn Độ cho đến Uganda.
Hiện nay, một số quốc gia Trung Đông thậm chí còn phải nhập khẩu cát từ Canada và Australia. Nhưng không phải tất cả mọi loại cát đều sử dụng được. Cát sa mạc quá mịn và nhỏ để làm bê tông hoặc thủy tinh. Đó là lý do cát dùng trong công nghiệp thường được khai thác động lực học từ khu vực trầm tích cổ tại sông và biển.
Nhu cầu lớn nhất về cát hiện nay là từ Trung Quốc. Số xi măng sản xuất tại Trung Quốc trong 3 năm từ 2011-2014 còn nhiều hơn số xi măng Mỹ cho ra lò trong thế kỷ trước. Ấn Độ dự kiến đến năm 2027 còn vượt qua Trung Quốc trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới.
Không chỉ sử dụng để sản xuất xi măng, cát còn được trưng dụng cho nhiều hạng mục xây dựng khác. Một ví dụ là trong nửa thế kỷ qua, Singapore đã xây dựng nhiều dảo nhân tạo do với 1/4 số cát nhập khẩu từ Campuchia, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Bà Louise Gallagher thuộc Global Sand Observatory có trụ sở tại Thụy Sĩ phân tích: “Bản chất của khủng hoảng này là chúng ta chưa hiểu biết rõ về cát”. Việc khai thác cát gây ô nhiễm các con sông, xói mòn bãi biển. Khi khai thác triệt để các lớp cát, bờ sông trở nên mất ổn định. Tình trạng ô nhiễm sông còn khiến cá chết và gây thiếu hụt nguồn nước cho sinh hoạt con người cũng như việc tưới tiêu.
Ông Stephen Edwards tại Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đánh giá có những ảnh hưởng không tác động ngay lập tức do vậy khó có thể đoán được chính xác mức độ nghiêm trọng.
Để giải quyết khủng hoảng cát, các chuyên gia đánh giá lãnh đạo thế giới cần điều tiết ngành công nghiệp này và chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần giảm nhu cầu sử dụng cát bằng việc tìm nguyên liệu thay thế hiệu quả. Phế liệu từ những tòa nhà bị phá hủy có thể được tái sử dụng. Nhiều nhà nghiên cứu đang tìm phương pháp để có thể sử dụng cát sa mạc trong xây dựng.