Mở đầu bài viết, Ngoại trưởng Saifuddin cho rằng hỗ trợ nhân đạo nhằm mục đích cứu sống con người, giảm thiểu đau thương và duy trì phẩm giá con người trong và sau thảm họa (do thiên nhiên hoặc do con người gây ra). Hỗ trợ nhân đạo cũng nhằm mục đích ngăn chặn thảm họa tái diễn và tăng cường chuẩn bị ứng phó trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, đôi khi, viện trợ nhân đạo thông qua việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ không phải là nhu cầu thực tế của nạn nhân, do vậy đã gây ra tình trạng lãng phí và làm ảnh hưởng đến yếu tố tích cực của hoạt động này.
Để làm tốt hơn công tác hỗ trợ nhân đạo, Ngoại trưởng Saifuddin đề xuất 7 cải tiến cần thiết. Đó là lấy thông tin chính xác từ các nguồn tin địa phương; Lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân; Xác định mức độ ưu tiên; Nâng cao tính chuyên nghiệp của các tình nguyện viên, nhân viên và các cơ quan chính phủ; Khắc phục bệnh quan liêu; Tăng cường hợp tác giữa ba khu vực (nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự); Thiết lập một khuôn khổ về trách nhiệm giải trình, minh bạch và đánh giá (tài trợ, các công trình thực tế...). Theo ông Saifuddin, điều hành hoạt động hỗ trợ nhân đạo dựa trên các nguyên tắc chính như lòng nhân đạo, tính trung lập và độc lập, do vậy có 10 loại viện trợ nhân đạo gồm viện trợ trong thảm họa, nơi ở, thực phẩm, thiết bị, nước sạch, vệ sinh, y tế, trẻ em, người tị nạn và giáo dục.
Khu vực ASEAN thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gây thiệt hại về kinh tế quá lớn, số người thiệt mạng trong khu vực này cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới, trong khi số lượng người di cư cũng như tị nạn tại các nước trong khu vực ngày càng tăng. Do đó, giảm thiểu rủi ro thiên tai là một trong những ưu tiên của ASEAN. Hiệp định ASEAN về Quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER) đã đưa ra một chính sách tổng thể về nỗ lực tập thể nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và cải thiện khả năng ứng phó. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN về quản lý thiên tai (AHA) đã được thành lập.
Ngoại trưởng Malaysia nêu rõ thách thức chính đối với viện trợ nhân đạo là hệ thống hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu, trong đó vấn đề lớn nhất là tài chính. Nguồn vốn hiện có rất nhỏ so với số tiền cần thiết. Khi các thảm họa bất thường xảy ra, chẳng hạn như sóng thần và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar thì cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, viện trợ nhân đạo chỉ có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên nhiên mà hầu hết trong số đó là do hành động của con người gây ra. Do vậy, trong quá trình cải thiện hệ thống viện trợ nhân đạo, cần tiếp tục cải cách về thể chế địa phương và cấu trúc quốc tế.