Hai năm trước, trên 180 quốc gia đã nhất trí về việc cấm buôn bán rác thải nhựa khó tái chế trong nỗ lực nhằm ngăn chặn những nước giàu xuất khẩu loại rác thải này sang các nước đang phát triển, nơi chúng thường gây ô nhiễm môi trường và đại dương. LHQ đã xây dựng các quy định mới về loại rác thải trên dựa theo Công ước Basel về kiểm soát các hoạt động buôn bán rác thải nguy hiểm được thông qua hồi năm 1989.
Những quy định nói trên đã bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 1 năm nay, theo đó các nước tham gia công ước chỉ có thể buôn bán rác thải nhựa nếu đáp ứng các tiêu chí về giảm ô nhiễm bao gồm rác thải sạch sẽ, được phân loại và dễ tái chế hoặc được nước nhập khẩu chấp thuận trước.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường Malaysia Mohamad Khalil Zaiyany Sumiran cho biết container rác thải nhựa kể trên đã không đáp ứng được những tiêu chí trên hoặc không có sự chấp thuận trước từ phía Malaysia. Do vậy, sau khi tiến hành điều tra, Malaysia sẽ gửi trả container này về nơi xuất xứ. Hiện vẫn chưa rõ khi nào lô hàng trên sẽ tới nước này.
Trước đó, hôm 20/3, Bộ trưởng Môi trường Malaysia Tuan Ibrahim Tuan Man cho hay nhà chức trách nước này sẽ cấm một container được vận chuyển từ thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ) hôm 14/3.
Mỹ, quốc gia sản xuất nhiều rác thải nhựa hơn hơn bất kỳ quốc gia nào khác tính theo đầu người, là nước lớn duy nhất không phê chuẩn Công ước Basel và không bị ràng buộc do công ước này. Tuy nhiên, theo công ước trên, phía Malaysia cho biết không thể chấp nhận chất thải nhựa bị cấm được xuất khẩu từ Mỹ.