Ngày 15/3, trong khuôn khổ cuộc điều tra máy bay mất tích Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysian Airlines, các cơ quan chức năng nước này hiện hướng vào đội bay và các hành khách trên chiếc máy bay nói trên.Cảnh sát Malaysia đã khám xét nhà riêng của cơ trưởng chuyến bay, phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, để tìm kiếm các tài liệu có thể giúp ích cho quá trình điều tra.
Cùng ngày, một quan chức quân sự cấp cao cho cho biết giới chức Malaysia tin rằng máy bay mất tích có thể đã bị một phi công dày dạn kinh nghiệm và nắm rõ các vị trí của radar cố tình chuyển hướng để máy bay này bay về phía Ấn Độ Dương. Quan chức trên nói rằng giả thuyết này dựa trên dữ liệu từ radar quân sự vẫn chưa được công bố, theo đó radar tiếp tục đánh dấu lộ trình của chiếc máy bay nhiều giờ sau khi nó biến mất khỏi màn hình của đài kiểm soát không lưu và radar dân sự. Thông tin này đã củng cố thêm mối nghi ngờ ngày càng tăng về việc máy bay của Malaysia biến mất với 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn có thể đã bị khống chế.
Phi công Zaharie Ahmad Shah. |
Trong khi đó, hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích vẫn diễn ra trên diện rộng. Ngày 15/3, các tàu Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm máy bay bị mất tích của Malaysia và hai trong số các tàu này đang di chuyển đến eo biển Malacca.
Tàu khu trục trang bị tên lửa Hải Khẩu đã xuất phát từ tối 14/3 và dự kiến sẽ đến phía đông eo biển Malacca vào tối 15/3 sau hơn 70 giờ tìm kiếm máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 ở Vịnh Thái Lan. Tàu Hải Khẩu sẽ phối hợp tìm kiếm với tàu tuần tra Hải Tuần 31 của Trung Quốc. Một tàu khác của Trung Quốc mang tên Vịnh Hưng Đảo, trang bị các robot lặn và xuồng cứu hộ, cũng sẽ đến eo biển Malacca sau khi kết thúc tìm kiếm ở phía đông Vịnh Thái Lan.
Các chiến hạm khác của Trung Quốc tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm sang phía đông nam Vịnh Thái Lan, bao phủ một diện tích khoảng 17.400 km2. Đến nay, các tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, Côn Lôn Sơn và khinh hạm trang bị tên lửa Miên Dương đã tiến hành tìm kiếm trên một khu vực rộng khoảng 8.200 km2.
Cũng trong ngày 15/3, Trung Quốc đã hối thúc Malaysia tiếp tục cung cấp “thông tin chính xác và triệt để” về máy bay mất tích. Trong một thông cáo báo chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng “các chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc đang đến Malaysia để hỗ trợ công tác điều tra”. Trung Quốc sẽ kịp thời điều chỉnh việc triển khai các lực lượng tìm kiếm và cứu hộ, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả các nước hữu quan và các tổ chức quốc tế.
Các tàu hải quân Ấn Độ với sự hỗ trợ của các máy bay tuần thám và máy bay trực thăng đang tìm kiếm tại khu vực các đảo ở biển Andaman trong ngày thứ 3 đã không phát hiện được bất cứ dấu vết gì của máy bay mất tích hôm 8/3. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ, phạm vi tìm kiếm đã được mở rộng xa hơn về phía Tây đến Vịnh Bengal trong ngày 15/3. Gần 10 tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay tuần thám biển và máy bay lên thẳng đã được triển khai, song chưa phát hiện điều gì.
Phát biểu với báo giới trước đó cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố cho biết chưa có bằng chứng cuối cùng để khẳng định rằng máy bay trên bị không tặc. Tuy nhiên, ông nêu rõ hệ thống liên lạc của máy bay bị vô hiệu hóa ngay trước khi tới bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia. Có dấu hiệu chắc chắn về việc máy bay đã bay chệch khỏi hành trình một cách có chủ đích. Nhà chức trách Malaysia đã tập trung hướng điều tra vào phi hành đoàn và hành khách trên máy bay.
Theo Thủ tướng Najib Razak, có thể máy bay đã di chuyển theo hai hướng sau khi biến mất: hướng bắc từ Thái Lan tới biên giới Kazakhstan và Turkmenistan, trong khi hướng nam từ Indonesia tới Ấn Độ Dương. Hiện nhà chức trách Malaysia đã quyết định ngừng hoạt động tìm kiếm tại Biển Đông và tập trung các nỗ lực tìm kiếm sang Ấn Độ Dương.
TTXVN/Tin tức