Trong khi đó, những du khách thuộc chương trình Bong bóng Du lịch Quốc tế Langkawi (LITB) không cần phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc RTK-Ag trước khi rời hòn đảo này.
Theo ông Khairy, các yêu cầu bắt buộc xét nghiệm COVID-19 bị hủy bỏ, bao gồm việc tự xét nghiệm vào các ngày thứ 2, 4, 6 và xét nghiệm RTK-Ag vào các ngày thứ 3 và 5. Đối với những du khách đến từ Vương quốc Anh, việc tự xét nghiệm hằng ngày trong suốt thời gian cách ly cũng sẽ được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết, yêu cầu về xét nghiệm PCR 2 ngày trước khi khởi hành và ngay khi đến Malaysia vẫn bắt buộc phải có. Ông nhấn mạnh, việc nới lỏng Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) chỉ áp dụng cho những du khách nhập cảnh vào Malaysia theo các chương trình VTL, LITB và OSC. Đối với khách du lịch không thuộc 3 chương trình này, SOP và các quy định hiện hành của Malaysia vẫn được áp dụng.
*Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 1/3, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo luật sửa đổi Luật dược phẩm và thiết bị y tế, trong đó cho phép phê duyệt nhanh các loại vaccine và dược phẩm được cho là có hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp.
Dự luật trên được xây dựng nhằm đẩy nhanh các thủ tục liên quan tới việc phê duyệt vaccine và các loại thuốc chữa bệnh trong bối cảnh Nhật Bản đang tụt hậu với Mỹ và châu Âu trong việc cấp phép vaccine và thuốc chữa COVID-19. Bên cạnh đó, nó cũng được kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm y tế ở trong nước.
Cơ chế phê duyệt khẩn cấp sẽ cho phép các loại thuốc và sản phẩm y tế khác đang sử dụng ở nước ngoài được bán ở thị trường Nhật Bản trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng nếu các loại thuốc và sản phẩm y tế này đã được xác nhận về độ an toàn và được kỳ vọng mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, nó cũng cho phép lưu hành các sản phẩm phát triển ở trong nước trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng cuối cùng với các điều kiện tương tự.
Trong vòng 2 năm sau khi đưa vào sử dụng trong thực tế, Chính phủ Nhật Bản sẽ rút giấy phép lưu hành các loại sản phẩm y tế này nếu chúng không có hiệu quả.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đệ trình dự luật này lên Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp thường niên hiện nay, dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 6/2022.
* Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 1/3, Chính phủ Indonesia đã chính thức phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc) để tiêm mũi thứ ba tăng cường cho người dân bên cạnh 5 loại vaccine khác đã được phê duyệt trước đó.
Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết: “Sáu loại vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng để tiêm tăng cường gồm Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Janssen (J&J) và Sinopharm”.
Theo bà Tarmizi, liều tiêm tăng cường có thể cùng hoặc khác loại với các liều tiêm cơ bản, tùy thuộc vào tình hình cung ứng vaccine ở các địa phương, đồng thời ưu tiên các lô vaccine gần hết hạn sử dụng.