Tại các bệnh viện ở Malaysia đã xảy ra nhiều cảnh tượng đau lòng. Hệ thống y tế quá tải trong khi nhân viên y tế làm việc đến kiệt sức phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng theo cấp số nhân số người nhập viện do mắc COVID-19.
Những chiếc giường vải đặt trong bãi đậu xe của bệnh viện, một số bệnh nhân phải dùng chung bình oxy. Nhiều thủ thuật cấp cứu thậm chí phải thực hiện trên sàn bệnh viện. Các bác sĩ đã thông báo rằng có những gia đình cùng nhau nhập viện và một số đã tử vong cùng nhau. Các tình nguyện viên đã xử lý nhiều thi thể hơn gấp 30 lần so với năm ngoái.
Một nhân viên y tế tuyến đầu chia sẻ với tờ Malaysiakini (Malaysia): “Hiện giờ, tôi không còn cảm xúc, quá nhiều trường hợp tử vong khiến bạn trở nên tê liệt”.
Nỗi lo lớn nhất của Malaysia là trở thành phiên bản Ấn Độ thu nhỏ và dường như điều này đã trở thành sự thật. Kênh Al Jazeera cho biết số ca mắc mới mỗi ngày và trường hợp tử vong bình quân đầu người của Malaysia đã vượt qua cả mức cao nhất của Ấn Độ.
Cuối tháng 7, số ca mắc mới mỗi ngày/1 triệu người ở Malaysia là 515,9 trường hợp và tỷ lệ tử vong mỗi ngày/1 triệu người là 4,95. Trong khi đó, ở giai đoạn cao điểm, số ca mắc mới mỗi ngày/1 triệu người tại Ấn Độ là 283,50 và 3.04 trường hợp tử vong.
Đây được coi là điều không may mắn với một quốc gia từng được coi là hình mẫu trong xử lý dịch. Chỉ một năm trước, Malaysia đã ăn mừng khi không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng qua vài ngày. Khi đó, các chuyên gia nước ngoài, Tổ chức Y tế (WHO) đều ca ngợi thành công này. Chính phủ Malaysia đã có hành động nhanh chóng triển khai giãn cách xã hội toàn diện, đầu tư mạnh vào nhữn cơ sở xét nghiệm và y tế, triển khai thông tin liên lạc chủ động với người dân.
Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham được vinh danh là một trong những quan chức y tế hàng đầu trong cuộc chiến chống COVID-19, cùng với Tiến sĩ Anthony Fauci ở Mỹ và ông Ashley Bloomfield tại New Zealand.
Chính phủ Malaysia sau đó tràn đầy tự tin với kết quả tốt từ các biện pháp chống dịch trong năm 2020 và đến tháng 8 quyết định tổ chức bầu cử quy mô lớn ở bang Sabah. Trong thời gian vận động tranh cử, các hãng hàng không tăng chuyến bay để đưa chính khách cùng người ủng hộ đến và rời Sabah. Tổng cộng có 257 sự kiện được tổ chức, nhiều trong số này không áp dụng biện pháp giãn cách, đeo khẩu trang… Đến ngày bầu cử, có 1,1 triệu cử tri đi bỏ phiếu.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore phát hiện ra rằng cuộc bầu cử Sabah dẫn đến 70% các ca mắc mới tại bang này và 64% các ca tại Malaysia.
Trong những tháng sau đó, việc di chuyển giữa các bang vẫn được thực hiện và nhiều hạn chế được nới lỏng vào tháng 12/2020 mặc dù trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 Malaysia ghi nhận số ca mắc mới tăng gần 10 lần.
Đến tháng 1, các chuyên gia y tế đã viết một bức thư ngỏ cho Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra tại các bệnh viện nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát. Tuy nhiên, đến tháng 6, khi lệnh giãn cách toàn quốc được áp dụng thì nó vẫn không thể ngăn chặn con số mắc mới cao kỷ lục, với gần một triệu trường hợp tại quốc gia chỉ có 32 triệu dân.
Al Jazeera đánh giá chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin bao gồm các bộ trưởng từ những đảng khác nhau vốn là đối thủ chính trị do vậy trong công việc chung họ có phần thiếu tin tưởng và không hợp tác. Mâu thuẫn giữa đảng BERSATU của Thủ tướng Muhyiddin Yassin và đảng lớn nhất trong chính phủ UMNO dẫn đến các quyết sách trái ngược và chính sách gây bối rối.
Ngoài ra, có một số vụ việc liên quan đến quan chức không làm gương tuân thủ quy định giãn cách như tránh cách ly sau khi trở về từ nước ngoài, bộ trưởng đi ăn tại nhà hàng khi không được phép… khiến dư luận nổi giận và nhiều người dân quyết định không tuân theo quy định kiềm chế dịch COVID-19. Đã có hàng trăm người biểu tình đổ ra các con phố yêu cầu Thủ tướng Muhyiddin Yassin phải từ chức.
Trong khi đó, nhiều thông tin không khả quan xuất hiện. Bản thân Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng cho rằng nhóm 40% người nghèo trong xã hội Malaysia, còn gọi là B40, nay đã mở rộng thành B50. Lương trung bình tại quốc gia này cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010. Số trường hợp tự tử tăng mạnh, hàng triệu người không có việc làm và mắc kẹt ở nhà với số tiền tiết kiệm ít ỏi.
Người dân đã quyết định ra tay để hỗ trợ cộng đồng, họ tự tạo nên các ngân hàng thực phẩm để giúp đỡ người khó khăn. Chủ một cửa hàng tạp hóa tại Johor Bahru đã mở ngân hàng thực phẩm tạm. Nhiều người đã đến để lấy hàng hóa cần thiết. Và bà nhận ra điều đặc biệt là có nhiều người đã âm thầm đến ủng hộ thêm hàng hóa cho ngân hàn thực phẩm này. Câu chuyện này là một trong nhiều câu chuyện cho thấy sức mạnh của người dân Malaysia với tinh thần cộng đồng.