Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài cuối - Nhận diện thách thức để vượt qua

Gần 2 năm đã trôi qua kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được công bố, thế giới tồn tại 2 phương châm chống dịch là “kiểm soát để không có ca mắc COVDI-19 mới nào” và “sống chung với virus SARS-CoV-2”.

Dần dần, nhiều nước đã lựa chọn “sống chung với virus SARS-CoV-2”, một mặt vì các biến thể mới xuất hiện như Delta, Mu…, khiến cho việc “kiểm soát để không có ca mắc COVDI-19 mới nào” ngày càng khó khăn, mặt khác là do người dân và nền kinh tế rất khó có thể chịu đựng được việc phong toả vô thời hạn.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Malaysia kiểm tra giấy tờ phương tiện giao thông đi vào Kuala Lumpur.

Thế giới có nhiều ví dụ về sống chung với virus SARS-CoV-2”. Nước tiêm chủng sớm nhất là Israel. Sau khi số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh, Israel bắt đầu tiêm mũi thứ ba vào ngày 1/8/2021. Đối với Anh, nước này không bắt buộc người dân đeo khẩu trang từ ngày 19/7/2021. Trong nửa tháng đầu tiên, số ca mắc COVID-19 ở Anh có chiều hướng giảm xuống, nhưng cùng với việc khôi phục các hoạt động quy mô lớn, tình hình dịch bệnh tại nước này đã đảo chiều, ngày 10/9 ghi nhận tới 36.734 ca mắc COVID-19 mới.

Trở lại với Malaysia, “sống chung với virus SARS-CoV-2” đã trở thành lựa chọn của chính phủ mới. Nhưng khi nới lỏng các biện pháp chống dịch và mở cửa dần đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt là từ ngày 10/9, Kuala Lumpur, Selangor và Putrajaya bước vào giai đoạn 2 của Kế hoạch Phục hồi quốc gia, không loại trừ khả năng virus SARS-CoV-2 sẽ lây lan mạnh. Việc này sẽ dẫn tới rủi ro cho người cao tuổi, trẻ em chưa được tiêm chủng, người mắc bệnh nền, người có hệ miễn dịch kém…

Theo Tiến sỹ Hoo Chiew Ping, mở cửa khi những người tiêm liều 2 chưa phải là đa số tuyệt đối và chắc chắn những người chưa hoàn thành tiêm chủng cũng ra ngoài, sẽ gây nguy hiểm cho chính sách hiện hành, đặc biệt là đối với sức khoẻ cộng đồng. Do đó, Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cho rằng mở cửa nền kinh tế không có nghĩa phải hi sinh sức khỏe và hạnh phúc, cần phải xem liệu 80% dân số hoàn thành tiêm chủng có thể dẫn tới việc giảm số ca mắc COVID-19 mới hay không.

Một vấn đề khác là hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 ở Malaysia có thể cũng đã giảm như ghi nhận tại nhiều nước khác. Ví dụ: Bang Sarawak là địa phương tiêm chủng sớm nhất ở Malaysia, tới ngày 9/9 đã có 87,9% người trưởng thành tại đây hoàn thành tiêm chủng, nhưng những ngày gần đây, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Sarawak lại liên tục đứng đầu cả nước. Nếu hiệu quả vaccine giảm sau 6 tháng, những nhân viên y tế tuyến đầu được tiêm ngừa COVID-19 hồi tháng 2/2021 sẽ phải tiêm liều thứ 3. Nói cách khác, muốn “sống chung với virus SARS-CoV-2”, Malaysia sẽ phải khởi động chương trình tiêm tăng cường như Israel đã làm.

Ngoài ra, dù tiêm chủng đã được chứng minh ở Malaysia là giúp giảm tỉ lệ bệnh nặng, nhưng việc Malaysia mỗi ngày ghi nhận trên, dưới 20.000 ca mắc COVID-19 mới, số phải nhập viện rất khó giảm xuống. Cho nên, Malaysia tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là không nên để xuất hiện trường hợp tử vong vì COVID-19 trước khi đến viện. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin ngày 9/9, trong tháng 8/2021, Malaysia có 2.417 trường hợp tử vong trước khi đến viện và 86% trong số đó không được nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nào chăm sóc. Điều này có nghĩa, công tác phát hiện sớm, điều trị sớm đã không được làm tốt.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng đảm bảo giãn cách chờ vào siêu thị mua hàng ở Trung tâm Eko Cheras, Kuala Lumpur, Malaysia.

Dẫn trường hợp Hàn Quốc làm ví dụ, Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cho biết thêm Hàn Quốc đã đối phó với đại dịch mà không cần biện pháp đóng cửa hoàn toàn kể từ năm ngoái. Ngay cả khi có biến thể Delta, Hàn Quốc vẫn kiểm soát số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức dưới 1.800 ca/ngày. Nếu vọt qua 2.000 ca/ngày, họ lập tức tìm cách hạ xuống dưới mức 1.800 ca/ngày và nỗ lực đưa về dưới mức 1.500 ca/ngày. Trong điều kiện như vậy, Hàn Quốc có thể vận hành bình thường. Vấn đề chính với họ là câu chuyện việc làm vì trong đại dịch, việc làm bị cắt giảm nhằm mang tới không gian an toàn để làm việc cùng nhau.

Theo Tiến sỹ Hoo Chiew Ping, để giải quyết, Hàn Quốc đã đưa ra Chính sách Thoả thuận mới, nhấn mạnh tới kinh tế xanh và mức độ số hoá cao. Những người được trang bị kỹ năng liên quan sẽ có cơ hội được tuyển dụng cao. Tuy nhiên, với nhiều nước khác, bao gồm Malaysia, đây là thách thức vì không có nhiều người lao động được trang bị những kỹ năng này.

Nhìn vào thực tế ở Malaysia và một số nước quyết định “sống chung với virus SARS-CoV-2” có thể thấy vaccine tuy là vũ khí chủ chốt, nhưng nếu chỉ dựa vào vaccine sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn được dịch bệnh, cần phải làm tốt công tác chống dịch bổ trợ cho vaccine.
Bên cạnh đó, Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cho rằng Malaysia cũng như các nước khác cần chuẩn bị cho việc làm thế nào để sống với những hạn chế về không gian, hạn chế về số lượng lao động trong đại dịch. Điều đó cũng có nghĩa phải tạo thêm nhiều việc làm mới.
Bài và ảnh: Hà Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Malaysia)
Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài 2- Những bước đi mạnh bạo sớm được chuẩn bị
Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài 2- Những bước đi mạnh bạo sớm được chuẩn bị

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia, chuyên gia vấn đề quốc tế, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Malaysia, Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cho biết có một số chính phủ từ lâu đã nhận ra rằng sẽ phải sống lâu dài với COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN