Một tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Mali, Ibrahim Boubacar Keita cho biết: "Tổng thống đã chấp nhận việc từ nhiệm của Thủ tướng và các thành viên chính phủ". Động thái này diễn ra sau làn sóng biểu tình trong nước phản đối chính phủ không có giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực ở Mali.
Ngay sau quyết định trên, Tổng thống Ibrahim Boubacar thông báo rằng ông sẽ tổ chức các cuộc đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị và hỗ trợ kinh tế khu vực miền Trung nhằm giải quyết tình hình bất ổn tại quốc gia này.
Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, ông Boubacar cho rằng các cuộc đối thoại dự kiến diễn ra từ ngày 23-28/4 là nhằm cải tổ hiến pháp. Tổng thống cũng cho biết đã điều động thêm binh sỹ tới miền Trung để hỗ trợ lực lượng của Liên hợp quốc và Pháp. Ông cũng thông báo các biện pháp về kinh tế và xã hội nhằm hỗ trợ khu vực miền Trung qua việc lập một quỹ.
Sức ép chính trị ngày càng đè nặng lên vai Tổng thống Boubacar. Trước đó, hôm 16/4 ông đã thông báo việc tham vấn quốc gia về dự thảo hiến pháp mới, và sẽ được thông qua tại cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 9/6 tới. Tuy nhiên, dự thảo này đã bị các đảng đối lập bác bỏ với cáo buộc rằng họ đã bị gạt bỏ ngay từ giai đoạn dự thảo.
Dự thảo bao gồm quy định giới hạn 2 nhiệm kỳ tổng thống và đề xuất việc tái dàn xếp nội bộ nhằm thực thi hiệp ước hòa bình 2015 giữa chính phủ với các nhóm nổi dậy hiện vẫn đang bị trì hoãn.
Trước đó, ngày 24/3, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã cách chức 2 tướng quân đội, gồm Tổng Tham mưu trưởng M'Bemba Moussa Keita và Tư lệnh lục quân Abdrahamane Baby sau khi xảy ra vụ thảm sát người du mục Fulani tại một ngôi làng gần biên giới Burkina Faso. Các thợ săn thuộc sắc tộc Dogon ở Mali bị cáo buộc gây ra vụ thảm sát. Tuy nhiên, ngày 5/4, hàng chục nghìn người Mali đã biểu tình tại thủ đô Bamako để phản đối bạo lực leo thang và chỉ trích chính phủ.
Mali là quốc gia thuộc khu vực Sahel của châu Phi vốn đang bất ổn vì tình hình an ninh diễn biến phức tạp. Chính phủ nước này đang nỗ lực ổn định tình hình đất nước sau khi các nhóm Hồi giáo vũ trang giành kiểm soát miền Bắc đất nước hồi đầu năm 2012.