“Manđivơ chìm” xây đảo nổi

Không một đảo nào trong số gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ của Manđivơ có độ cao trên 1,8 mét so với mực nước biển. Đảo quốc Ấn Độ Dương này là quốc gia thấp nhất trên thế giới. Đó là lý do khiến chính phủ Manđivơ đang làm tất cả để có thể đối phó với tình trạng nước biển đang ngày càng dâng cao.

Ngoài việc xây dựng các bức tường bao xung quanh mỗi hòn đảo, Manđivơ đã ký thỏa thuận với tập đoàn Dutch Docklands của Hà Lan về phát triển hàng loạt hòn đảo nổi, với trung tâm là hệ thống năm hòn đảo hình sao, bao gồm các bãi biển, sân golf, một trung tâm hội nghị thân thiện với môi trường và các căn hộ cao cấp.


Manđivơ là quần đảo gồm 1.192 hòn đảo, trải rộng trên diện tích 90.000 km2. Kể từ năm 1900 đến nay, mực nước biển đã không ngừng tăng lên và các nhà khoa học dự đoán, trong tương lai, nước biển dâng cao có thể khiến nhiều hòn đảo biến mất. Ý thức được vấn đề này, từ năm 2008, chính phủ Manđivơ đã bắt đầu xem xét các kế hoạch thay thế. Họ bắt đầu sử dụng lợi nhuận từ ngành du lịch để lập quỹ mua những vùng đất mới, có thể ở Ôxtrâylia, Ấn Độ hay Xri Lanca. Tuy nhiên, hiện nay chính phủ Manđivơ đang chuyển sang một giải pháp khác là hợp tác với công ty Dutch Docklands (Hà Lan) để “sản xuất” và “lắp đặt” các đảo nổi nhân tạo.

Khu resort Huvafen được cho là có thể sớm bị chìm dưới nước, cùng với những vùng khác của Manđivơ. Ảnh: Internet

Giống như những chiếc phao, đảo nổi sẽ giải quyết được nguy cơ nước biển dâng lên, bởi thay vì chống chọi lại với biển, nó sẽ cùng tồn tại với đại dương. Siêu dự án liên doanh này bao gồm các hoạt động phát triển đảo nổi trên một vùng biển rộng trên 800 ha. Đây sẽ là dự án đảo nổi nhân tạo lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn đầu tiên, các nhà thiết kế người Hà Lan sẽ xây dựng một hệ thống các đảo nổi để phục vụ các dự án giải trí cao cấp như khách sạn, trung tâm hội nghị, căn hộ cao cấp, câu lạc bộ du thuyền và sân golf nổi. Giai đoạn thứ hai sẽ là xây dựng những hòn đảo để phục vụ nhu cầu về ở cho nhiều dân cư trong số 400.000 người dân Manđivơ.


Theo kế hoạch mới được công bố, chỉ riêng dự án sân golf 27 lỗ đã tốn kém 500 triệu USD, là kinh phí từ chính phủ Manđivơ và các nhà đầu tư tư nhân. Tạp chí Forbes đã mô tả dự án này là “Mecca nổi của golf”, nơi thu hút người giàu trên khắp thế giới. Người chơi sẽ chỉ có thể vào sân qua một đường hầm dưới biển (rộng rãi tới mức họ thậm chí có thể sử dụng cả những chiếc xe song mã theo phong cách cổ xưa) và được trải nghiệm những cảm giác khác biệt khi chơi môn thể thao quý tộc này.

Phối cảnh từ trên cao sân golf 27 lỗ nằm trên ba hòn đảo nổi, lọt trong vòng tròn san hô.Ảnh: Internet


Giám đốc điều hành của Dutch Docklands, ông Paul van de Camp cho biết: “Chúng tôi đã nói với Tổng thống Manđivơ rằng, chúng tôi có thể biến các ngài từ những người ‘tị nạn’ của khí hậu trở thành người ‘đổi mới’ khí hậu. Đây sẽ là sân golf nổi đầu tiên và duy nhất trên thế giới, nó sẽ trở nên hoàn hảo với từng quang cảnh đại dương qua mỗi lỗ golf”.


Sân golf sẽ được bố trí trên ba hòn đảo nổi khác nhau, nằm trên vùng biển cách thủ đô Malê chỉ 5 phút chạy tàu cao tốc, cho phép người chơi trở lại đảo chính rất nhanh chóng. Đáng ngạc nhiên là “Mecca của golf” sẽ sử dụng năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng rất dồi dào ở một đất nước nằm ngay trên đường xích đạo như Manđivơ.


Bên cạnh sân golf, trung tâm hội nghị và khách sạn, có hình một con sao biển khi nhìn từ trên xuống, sẽ được xây dựng bên trong một rặng san hô hình tròn. Để tới các câu lạc bộ giải trí trên đảo nổi, du khách sẽ vào thang máy và đi xuống dưới nước, giống như thuyền trưởng Nemo vậy.


Các hòn đảo nổi cũng được thiết kế để phục vụ những người yêu thích bơi, lặn, thậm chí các tàu ngầm tư nhân có thể đi vào trong đảo từ dưới nước. Theo các nhà thiết kế, du khách cũng có thể thuê tàu ngầm cá nhân từ bên ngoài đi vào trong đảo và nổi lên ngay ở giữa phòng khách!


Phát triển “không sẹo”


Nhà thiết kế của dự án đảo nổi Manđivơ là công ty Waterstudio của Hà Lan, và Dutch Docklands sẽ là nhà thầu thi công. Các kiến trúc sư Hà Lan tin rằng, con người cần “hợp tác” với nước thay vì đối đầu với nó. Trước đây, các kỹ sư dùng cát và đá vụn để tạo ra các đảo nhân tạo, nhưng cấu trúc này dễ làm xáo trộn vùng biển và hệ sinh thái đáy biển. Chính vì vậy, ngày nay họ đã áp dụng một công nghệ mới sử dụng các phiến bê tông và bọt polystyrene. Phần lõi bọt được bao phủ bởi bê tông, giúp đảo nổi trên mặt nước. Các hòn đảo nổi sẽ được neo xuống đáy biển bằng hệ thống cáp và cọc bằng các ống lồng, làm cho bề mặt đảo vững chãi ngay cả trong các cơn bão.

Có 43 hòn đảo tư nhân như thế này được xây dựng, mỗi đảo có một bến du thuyền và một bể bơi. Ảnh: Internet


Dutch Docklands tự hào rằng đây là một kỹ thuật rất thân thiện với môi trường, mà họ gọi là “phát triển không sẹo”, hạn chế được phần lớn nhược điểm của kỹ thuật xây dựng đảo nhân tạo từ đá và cát. Các công trình theo thiết kế này chỉ ảnh hưởng đến một khoảng nhỏ ở đáy đại dương, trong khi vẫn bảo tồn được các dòng hải lưu và hệ sinh thái dưới đáy biển. Các nhà thiết kế cũng chọn cách xây dựng nhiều đảo nhỏ, thay vì các đảo lớn hơn để giảm bớt vùng bóng râm xuống đáy biển, có thể ảnh hưởng tới thế giới động vật hoang dã đại dương.


Dutch Docklands đã từng xây dựng nhiều hòn đảo nổi để làm nhà tù và cả khu dân cư bằng bê tông và bọt polystyrene. Các hòn đảo sẽ được xây dựng tại Ấn Độ hoặc Trung Đông để giảm chi phí, sau đó được kéo về các điểm đến cuối cùng ở Manđivơ.


Việc phát triển dự án sẽ bắt đầu từ cuối năm nay, và dự kiến được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013, trước khi đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2015. Ngoài cụm đảo chính, theo kế hoạch đầy tham vọng này sẽ có 43 hòn đảo tư nhân được xây dựng, mỗi đảo đều có một cầu tàu để neo đậu du thuyền, cùng một bể bơi.

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN