Theo kênh CNBC, boongke thường nằm sâu khoảng 18m dưới lòng đất, có boongke có thể chứa tới 6.000 người. Ai cũng nghĩ boongke là nơi tối tăm, ẩm thấp nhưng trong thực tế, các boongke rất sáng sủa, sạch sẽ và ấm áp, có đầy đủ sân bóng, sân chơi cho trẻ em, quán ăn và bãi đậu xe.
Có 5.500 boongke tương tự trên khắp thành phố Helsinki, tạo ra một mạng lưới rộng lớn các công trình ngầm được xây dựng từ những năm 1980. Hệ thống này có thể chứa tới 900.000 người - nhiều hơn 1/3 so với toàn bộ dân số của thành phố Helsinki.
Mặc dù các boongke thường được sử dụng để đậu xe, làm nhà kho, tổ chức các sự kiện thể thao…, nhưng mục đích thực sự của các boongke là bảo vệ những người ở Phần Lan trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.
Ông Tomi Rask tại Sở cứu hộ thành phố Helsinki cho biết giới chức thành phố đã tính đến tất cả các loại vũ khí khi thiết kế hầm trú ẩn. Ông nói: “Chống nổ, chống khí độc, chống bức xạ và hóa chất độc hại”.
Các boongke này cũng phải có khả năng chuyển đổi và sẵn sàng sử dụng làm nơi trú ẩn phòng thủ trong vòng 72 giờ.
Ông Rask nói thêm: “Chúng ta cần phải có chỗ cho những người vào khu vực trú ẩn, có nghĩa là cần phải dọn đi một số cấu trúc, một số đồ vật. Nhưng không phải là chúng tôi cần phải dọn sạch hoàn toàn nơi trú ẩn trước khi đưa người vào bởi vì trong thời gian trú ẩn, sẽ cần phải có một số loại thiết bị. Ví dụ một chiếc ô tô có thể tạo không gian riêng tư cho một gia đình”.
Sân chơi cũng được coi là quan trọng trong thời gian trú ẩn, để trẻ em có thể xả hơi và cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi.
Bà Anna Lehtiranta, Giám đốc bộ phận truyền thông của Sở cứu hộ thành phố Helsinki, cho biết: “Các hầm trú ẩn dưới lòng đất được xây dựng trong nền đá cứng ở dưới mặt đất dựa trên kinh nghiệm trong Chiến tranh Mùa đông giữa Liên Xô và Phần Lan (1939-1940) và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tất cả chúng tôi đều có những người thân đã trải qua những tổn thương của cuộc chiến đó”.
Không gian bên trong các boongke đủ để chứa 50.000 xe buýt hai tầng. Các cửa ra vào của các hầm trú ẩn được đặt cẩn thận trên mặt đất và rất dày nên dù có vụ nổ hạt nhân cũng sẽ không để lại vết lõm.
Bà Lehtiranta nói: “Chúng tôi có tài liệu gồm danh sách các công việc mọi người sẽ làm trong boongke nếu họ buộc phải ở lại trong hai tuần hoặc lâu hơn. Sẽ có một bộ phận quản lý, bác sĩ và y tá, những người phụ trách chăm sóc trẻ em trong khi cha mẹ đi làm… Mọi người sẽ sử dụng các kỹ năng mà họ đã học trên mặt đất khi ở trong hầm trú ẩn”.
Ngoài mạng lưới hầm trú ẩn, 25 ga tàu điện ngầm của Helsinki cũng có thể được chuyển đổi thành hầm ngầm có thể chứa người trong nhiều tuần liên tục.
Hướng dẫn chính thức của Phần Lan nói rõ tất cả mọi người ở Phần Lan, kể cả khách trong các khách sạn, sẽ có một chỗ trong boongke. Tuy nhiên, các quy tắc cũng nêu rõ là cấm mang rượu, ma túy, vũ khí, thiết bị sinh nhiệt hoặc bất cứ thứ gì có mùi khó chịu vào nơi trú ẩn.
Ông Rask cho biết: “Những nơi trú ẩn dân sự này có thể là thứ mà chúng tôi có thể cung cấp cho NATO”.
Bình luận của ông Rask được đưa ra khi ngày 18/5, Phần Lan cùng Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tại buổi lễ ngắn diễn ra ở Brussels (Bỉ), các đại sứ của Phần Lan và Thụy Điển tại NATO đã nộp đơn xin gia nhập khối liên minh quân sự này. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Đây là thời khắc lịch sử mà chúng ta phải nắm giữ”, đồng thời hoan nghênh nguyện vọng của hai nước trở thành thành viên của NATO. Ông cũng bày tỏ tin tưởng việc Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh quân sự sẽ giúp tăng cường an ninh chung của khu vực.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi tình hình an ninh của Phần Lan, mặc dù ông cho rằng không có mối đe dọa nào sắp xảy ra nhằm vào Phần Lan.