'Mảnh đất màu mỡ' của tập đoàn Huawei

Trong khi bị các thị trường Mỹ và châu Âu "quay lưng" do nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei (Trung Quốc) đang tìm thấy “mảnh đất màu mỡ” tại Trung Đông.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Huawei. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong những năm trở lại đây, nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ vì Washington cho rằng Huawei có thể chuyển giao các dữ liệu người dùng ở các nước cho Chính phủ Trung Quốc, trong khi tập đoàn hoàn toàn phủ nhận điều này. Trong bối cảnh Mỹ cảnh báo về mối đe dọa an ninh từ Huawei, chính phủ một số nước châu Âu cân nhắc kỹ lưỡng vai trò của công ty Trung Quốc trong việc xây dựng không gian mạng. Chính phủ Anh và Thụy Điển đã quyết định cấm sử dụng thiết bị của Huawei vào mạng lưới 5G, trong khi Pháp cũng áp đặt những biện pháp hạn chế đối với tập đoàn này.

Tuy nhiên, các nước vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), không chỉ lựa chọn Huawei để triển khai mạng 5G mà còn hợp tác với tập đoàn Trung Quốc này để phát triển các thành phố thông minh.

Dù Huawei đã hiện diện tại Vùng Vịnh kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước, nhưng số lượng thỏa thuận cũng như những bước tiến lớn của “đại gia” viễn thông này tại khu vực trong những năm gần đây. Tháng 1 vừa qua, Saudi Arabia thông báo sẽ mở cửa hàng của Huawei tại thủ đô Riyadh và đây là cửa hàng lớn nhất của tập đoàn này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Một vài tháng trước đó, chính quyền Saudi Arabia đã ký thỏa thuận với Huawei nhằm phát triển trí tuệ  nhân tạo để hỗ trợ lĩnh vực công và tư nhân. Mùa hè năm ngoái, công ty đầu tư Batic tại quốc gia vùng Vịnh này đã chính thức “bắt tay” với Huawei nhằm thực hiện các dự án xây dựng thành phố thông minh. Ngoài ra, tập đoàn Huawei cũng phát triển các ứng dụng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ những người Hồi giáo hành hương về các thánh địa Mecca và Media.

Tại Dubai - một tiểu vương quốc công nghệ cao của UAE, Huawei đã triển khai nhiều dự án khác nhau từ việc lưu trữ dữ liệu đến các dịch vụ thanh toán trực tuyến cho mạng lưới giao thông công cộng. Năm ngoái, hãng hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai, hãng hàng không lớn nhất Trung Đông, cũng chọn Huawei làm đối tác xây dựng một trung tâm tăng cường năng lực giám sát và an ninh của công ty.

Các nước Vùng Vịnh giàu dầu mỏ đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Giám đốc Huawei phụ trách tại Trung Đông, Charles Yang cho biết cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là một trụ cột quan trọng trong các chiến lược chuyển đổi số quốc gia của các nước vùng Vịnh. Ông nhấn mạnh: "Bằng cách giành niềm tin của các đối tác Trung Đông, chúng tôi có thể giảm nhẹ những sức ép chính trị bên ngoài như của Mỹ". 

Trung Quốc hiện vẫn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của các nước vùng Vịnh. Theo số liệu của Liên hợp quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đạt khoảng 36,4 tỷ USD, trong khi con số này với UAE vượt 50 tỷ USD.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Vượt qua Huawei, Apple trở lại vị thế nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới
Vượt qua Huawei, Apple trở lại vị thế nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới

Với gần 80 triệu điện thoại iPhones được bán ra trong quý 4 năm 2020, Apple lần đầu tiên trở lại vị thế nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới tính theo quý kể từ cuối năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN