Tuyên bố chung gữa Maroc, Mỹ và Israel, được công bố tại thủ đô Rabat của Maroc, nêu rõ "hai nước nhất trí ngay lập tức nối lại toàn bộ các kênh liên lạc chính thức và thiết lập đầy đủ các quan hệ ngoại giao, hòa bình và hữu nghị". Cũng theo tuyên bố, Israel và Maroc nhất trí mở đường bay thẳng giữa 2 quốc gia, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương năng động và sáng tạo. Bên cạnh đó, 2 nước cũng theo đuổi hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, tài chính và đầu đư, đổi mới và công nghệ, hàng không dân dụng, các dịch vụ thị thực và lãnh sự, du lịch, nguồn nước, nông nghiệp và an ninh lương thực.
Tuyên bố được Thủ tướng Maroc Saad Dine El Otmani, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Jared Kushner và Cố vấn An ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat ký kết. Tuyên bố cũng đề cập việc Mỹ công nhận chủ quyền của Maroc đối với vùng Tây Sahara và dự định mở văn phòng lãnh sự ở Dakhla để thúc đẩy các cơ hội kinh tế và kinh doanh.
Hai ông Kushner và Shabbat tới Rabat ngày 22/12 trên chuyến bay thương mại đầu tiên giữa Israel và Maroc. Cùng ngày, phái đoàn Mỹ và Israel đã gặp Quốc vương Maroc Mohammed VI và Thủ tướng Otmani.
Trước đó, ngày 10/12, Maroc nhất trí nối lại các kênh liên lạc trực tiếp và thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với Israel sớm nhất có thể. Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Quốc vương Maroc Mohammed VI thông báo quốc gia này cũng sẽ phối hợp để phát triển các mối quan hệ đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật với Israel.
Thỏa thuận với Maroc là thỏa thuận thứ 4 về bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab trong năm nay, sau các thỏa thuận tương tự giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan do Mỹ làm trung gian. Một số quan chức Mỹ bày tỏ hy vọng lễ ký thỏa thuận giữa Israel và Maroc sẽ diễn ra tại Nhà Trắng trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ. Hiện nay, Cố vấn Kushner và nhóm công tác của ông vẫn đang đàm phán với các quốc gia khác trong thế giới Arab và Hồi giáo nhằm đạt được ít nhất một thỏa thuận nữa trước khi kêt Tổng thống Trump rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2021.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Tunisia ngày 22/12 tuyên bố nước này không có ý định thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Tuyên bố nêu rõ Tunisia tôn trọng lập trường chủ quyền của các quốc gia khác và những thay đổi từ bên ngoài sẽ không thể tác động tới quan điểm mang tính nguyên tắc này của Tunisia.
Tuyên bố trên dập tắt những đồn đoán rằng Tunisia sẽ là quốc gia Arab tiếp theo bình thường hóa quan hệ với Israel dưới sự trung gian của Mỹ. Trước đó, ngày 21/12, báo New York Times dẫn một số nguồn thạo tin cho rằng Oman và Tunisia là những nước tiếp theo sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel
Các thỏa thuận nói trên đã phá bỏ chính sách nhiều năm qua của Liên đoàn Arab đối với xung đột giữa Israel và Palestinetrái. Sáng kiến Hòa bình Arab ký năm 2002 quy định các nước Arab chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi nước này chấm dứt chiếm đóng các vùng đất của người Arab và người Palestine, đồng thời phải đảm bảo hòa bình cho người Palestine. Phía Palestine đã phản đối quyết liệt các thỏa thuận trên, cho rằng xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel hiện nay sẽ làm đảo lộn tiến trình hòa bình Trung Đông và tước đi quyền được sống trong hòa bình của người Palestine.